Biến đổi khí hậu

Càng nhiều thiết bị lạnh – Trái đất càng nóng lên

Khánh Ly 20/09/2023 - 16:33

(TN&MT) - Điều hòa không khí, tủ lạnh là những thiết bị rất quen thuộc với đời sống hằng ngày, nhưng chính các thiết bị này đang góp phần phát thải một lượng lớn khí nhà kính, làm tăng tình trạng biến đổi khí hậu.

Yêu cầu kép về giảm phát thải và hiệu quả năng lượng

Số liệu từ Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Lạnh và Điều không khí Việt Nam cho thấy, thị trường điều hòa không khí của Việt Nam có tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012-2022 là 10-12% và quy mô lớn nhất trong các nước Đông Nam Á. Mỗi năm, nước ta có thêm khoảng trên 2 triệu thiết bị điều hòa không khí mới, trong đó, điều hòa không khí gia dụng chiếm khoảng 80%. Cả nước hiện có khoảng 22-25 triệu bộ điều hòa không khí gia dụng đang được sử dụng. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu làm mát của người dân trong bối cảnh thời tiết ngày càng oi nóng và điều kiện sống đã cao hơn trước đây.

Lấy ví dụ về phát thải khí nhà kính từ điều hòa, theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội), một chiếc điều hòa 12.000 BTU rất thông dụng ở Việt Nam nếu bị rò rỉ khí ga lạnh (môi chất lạnh) ra môi trường, quy đổi sẽ tương đương với chi phí phát thải CO2 để sản xuất gần 3.000 số điện. Đây là lượng tiêu thụ điện trung bình của 1 hộ gia đình trong gần 1 năm. Khi nhân lên với số lượng điều hòa đang sử dụng, lượng môi chất lạnh rất lớn.

anh-bai-bdkh.jpg
Thị trường điều hòa không khí của Việt Nam có quy mô lớn nhất trong các nước Đông Nam Á

Thực tế, ngoài điều hòa gia dụng còn hàng chục triệu thiết bị làm lạnh khác như điều hòa công suất lớn từ 40.000 BTU trở lên, Chiller và điều hòa không khí trung tâm, điều hòa của ô tô, tủ lạnh, các thiết bị làm lạnh công nghiệp trong các kho lạnh... Loại ga môi chất lạnh phổ biến hiện nay là các chất HFC - thay thế các môi chất thế hệ trước là HCFC vốn làm thủng tầng ô-dôn. Tuy nhiên, nhiều chất HFC lại có tiềm năng gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu (GWP) cao hơn CO2 gấp hàng trăm đến cả nghìn lần.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, ngành lạnh và điều hòa không khí đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi công nghệ sử dụng các môi chất mới vừa không phá hủy tầng ô-dôn và có ít gây hiệu ứng nhà kính. Thách thức đặt ra là phần lớn các môi chất thế hệ mới đều dễ gây cháy nổ, yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật rất cao cùng với giá thành cao, chưa phù hợp để ứng dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, vấn đề tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng cần được quan tâm. Để đánh giá, quản lý phát thải KNK của một thiết bị, ngoài phát thải trực tiếp do rò rỉ môi chất lạnh trong quá trình sử dụng còn có phát thải gián tiếp từ lượng điện để điều hòa hoạt động trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Sau này khi sản phẩm không còn sử dụng nữa, việc thu hồi, tái chế, tiêu hủy các thiết bị cũng tạo ra chi phí phát thải khí nhà kính. Những yếu tố này cần được tính toán, kiểm soát đầy đủ, trong bối cảnh Việt Nam phải thực hiện theo yêu cầu quốc tế về kiểm soát, loại trừ các chất gây phá hủy tầng ô dôn và gây hiệu ứng nhà kính.

dsc09391.jpg
Ngành lạnh và điều hòa không khí đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi công nghệ sử dụng các môi chất lạnh mới giảm phát thải khí nhà kính

Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, điều hòa không khí không khí gia dụng, tủ mát, tủ lạnh và tủ đông, tủ lạnh thương mại đều đã có các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và áp dụng dán nhãn năng lượng. Chương trình dán nhãn năng lượng là biện pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, hướng tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng 5- 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc do Chính phủ đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Thách thức từ việc theo kịp lộ trình giảm phát thải

Việt Nam đang trong quá trình loại trừ dần HCFC với nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào cuối năm 2024. Từ năm 2030, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC vào Việt Nam giảm từ 2.600 tấn (năm 2024) xuống chỉ còn khoảng 100 tấn/năm, chủ yếu dùng cho sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí, và dừng nhập khẩu vào năm 2040.

Từ năm 2024, Việt Nam cũng sẽ bước vào giai đoạn đầu của lộ trình quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (các chất HFC). Theo tính toán của Bộ TN&MT, hạn ngạch phát thải khí nhà kính từ các chất HFC tại Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2028 giữ trong khoảng 14 triệu tấn CO2tđ, sau đó giảm dần theo lộ trình đã quy định tại Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2019 của Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về quản lý các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal (Bản sửa đổi, bổ sung Kigali). Mức phát thải từ năm 2045 chỉ còn 2,8 triệu tấn CO2tđ (tương ứng giảm 80%).

ke-hoach-loai-tru-hfc.png
Lộ trình loại từ chất HFC ở Việt Nam khi thực hiện các cam kết quốc tế

Theo TS. Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội KHKT Lạnh và ĐHKK Việt Nam, việc tuân thủ lộ trình này là bài toán kinh tế nan giải với ngành lạnh. Đơn cử, lượng HCFC nhập khẩu chỉ còn 100 tấn vào năm 2030 khó có thể đủ cho nhu cầu sửa chữa, thay ga lạnh. Nếu sử dụng ga lạnh mới sẽ phải thay thế hoàn toàn máy móc, công nghệ mới chứ không chỉ là một vài phụ tùng. Chưa kể tới lượng ga lạnh cũ sẽ phải tiêu hủy, thu hồi như thế nào khi cùng lúc loại bỏ hàng triệu thiết bị cũ.

361363906_288793353808902_7354990098565480405_n.jpg
Các học viên thực hành sửa chữa điều hòa theo công nghệ, kỹ thuật mới

Một vấn đề nữa là trình độ của đội ngũ kĩ thuật viên. Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, với sự bùng nổ thị trường thiết bị lạnh và ĐHKK, lượng kỹ thuật viên tại Việt Nam rất lớn nhưng không phải người nào cũng được đào tạo một cách bài bản. Việc chuyển đổi sang sử dụng môi chất thân thiện môi trường càng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, trước hết là đảm bảo an toàn cho chính kỹ thuật viên đó và những người xung quanh.

Trong thời gian qua. Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà nội, Hội Lạnh và ĐHKK Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức được hơn 60 khóa đào tạo trong khuôn khổ Dự án Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II). Tổng số kỹ thuật viên qua đào tạo là hơn 3.000 người, cùng 188 giảng viên cho các trường nghề. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, con số này còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế thị trường.

Quyết tâm “làm lạnh xanh”

Trong bối cảnh lượng tiêu thụ các chất HFC tại Việt Nam đang tăng mạnh, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện theo lộ trình quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính mà nước ta đã cam kết nhưng không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có sử dụng HFC, HCFC.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Kế hoạch sẽ đề ra lộ trình đến năm 2045, các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal được quản lý hiệu quả và loại trừ dần theo lộ trình thông qua việc chuyển đổi sang công nghệ sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng 0, phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ.

273038017_252119933776729_7817566798623599666_n.jpg
Giảm phát thải khí nhà kính giúp đạt các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng thêm

Một trong các mục tiêu cụ thể là bảo đảm 100% thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát trong các lĩnh vực có liên quan được chuyển đổi sang sử dụng thiết bị, sản phẩm sử dụng các môi chất lạnh có giá trị GWP thấp hoặc bằng “0”, môi chất lạnh tự nhiên thân thiện với khí hậu. Bên cạnh đó, bảo đảm 100% kỹ thuật viên thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát có văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận phù hợp theo quy định; 70% các chất được kiểm soát được thu gom khi không còn sử dụng; 50% các chất được kiểm soát được tái chế, tái sử dụng sau khi thu gom...

Kế hoạch cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có liên quan bảo đảm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại Kế hoạch quốc gia. Việc thực hiện Kế hoạch quốc gia sẽ góp phần thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn, đóng góp vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chia sẻ thêm về giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kinh, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho rằng, việc phát triển thị trường các bon trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí nói riêng, trong sản xuất công nghiệp nói chung là rất cần thiết. Bên cạnh đó, ở mức độ nhất định, cơ quan quản lý có thể đánh thuế các môi chất lạnh theo khả năng phát thải các-bon của môi chất. Đây cũng là công cụ phối hợp với chính sách của nhà nước để điều tiết thị trường, dần chuyển sang môi chất an toàn thân thiện với môi trường hơn. Mọi sự chuyển đổi đều có chi phí. Từ việc kết hợp chính sách và công cụ kinh tế, nguồn thu từ thuế có thể đưa vào quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và và nhỏ trong lĩnh vực lạnh chuyển đổi sang sản xuất xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng chung trong bối cảnh Trái đất đang ngày càng nóng lên do biến đổi khí hậu.

Khánh Ly