Trong nước

Phát huy năng lực “nội tại”, tiếp cận “ngoại lực” để kiến tạo các động lực phát triển mới

Khương Trung 19/09/2023 20:17

(TN&MT) - Các ý kiến xây dựng, đóng góp tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đều thống nhất rằng cần phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” để kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

190920230549-z4707806616763_be1855097fa775a931a4f80097fb8a76.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau một ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thu hút sâu sắc dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương.

Theo thống kê của Ban Tổ chức, có khoảng 450 đại biểu đã tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Diễn đàn cũng được kết nối trực tuyến với 6 Học viện và trường Đại học với khoảng hơn 1000 giảng viên, học sinh, sinh viên trực tiếp theo dõi.

Tại Diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại các phiên toàn thể và phiên thảo luận chuyên đề cùng hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học. Đồng thời, có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

190920230547-z4707817771797_5cb6a7f39b7340a7a9a92ddaec8b4819.jpg
Diễn đàn hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Diễn đàn đã có sự lan tỏa tích cực. Theo ghi nhận của Ban Tổ chức đã có hơn 900.000 lượt người theo dõi và tương tác trên các nền tảng số. Diễn đàn chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện các Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội, một số doanh nghiệp tham gia và chia sẻ giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, giới học thuật, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ghi nhận những kết quả của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

190920230525-z4707806616759_25d894b3c48b14856ae3353f7f112d82.jpg
Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.

Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn. Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

190920230559-z4707823004797_e25026e6aafef4d3dd667adc4172fe7e.jpg
Phát huy năng lực “nội tại”, tiếp cận “ngoại lực” để kiến tạo các động lực phát triển mới

Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Các ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

190920230539-z4707817683418_4232c265b2699cf5652b3c4d500abf42.jpg
Các ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững. Khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Tóm lược một số gợi ý, đề xuất chính sách, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

190920230522-z4707798950695_c4e765d91f2522afcff8d42b57ccae75.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước.

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề nghị nghiên cứu triển khai cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động; giúp nâng cao trình độ, tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.

Về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, các ý kiến tại Diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước. Cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Các đại biểu cho rằng cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột, gồm: chính phủ số, kinh tế số, công dân số, nhằm giảm thiểu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dịch vụ công, tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới.

Các đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.

Để đẩy mạnh cải cách thể chế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đại biểu cho rằng cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ giữa trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực,....Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Đại biểu đề xuất cần chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ tại Diễn đàn lẫn này. Khẳng định, những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.

Khương Trung