Bất động sản

Đà Nẵng gỡ vướng cho condotel, thúc đẩy thị trường BĐS

Lan Anh 19/09/2023 - 09:43

(TN&MT) - Các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ cùng với việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đang góp phần “giải hạn” cho phân khúc căn hộ khách sạn (condotel) tại Đà Nẵng.

Chuyển mục đích sử dụng

Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển loại hình condotel sớm nhất. Hiện địa phương đang có 5 dự án condotel có quy mô lớn với hàng ngàn căn hộ, bao gồm: tháp CT1 & CT2, CT3 & CT7 - dự án Đà Nẵng Times Square; tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Riverview Complex Đà Nẵng; tổ hợp Ánh Dương Soleil; khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay, Naman Garden). Những năm trước đây, khi các dự án condotel gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng) đã khiến thị trường condotel tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận bị “đóng băng”.

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng quyết định cho phép Công ty cổ phần Kim Long Nam chuyển mục đích sử dụng đất đối với các lô đất xây condotel CT1, CT2, CT3, CT7 tại Dự án Đà Nẵng Times Square. Theo đó, chủ đầu tư được chuyển mục đích sử dụng đất đối với 3.988m2 đất thương mại dịch vụ của 4 lô đất trên để sử dụng vào mục đích đất ở đô thị, dùng xây chung cư.

codotel1.jpg
Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển loại hình condotel sớm nhất

Đây là dự án condotel tiếp theo được Đà Nẵng đồng ý chuyển đổi từ condotel thành căn hộ chung cư. Trước đó, vào tháng 2/2020, UBND Thành phố cũng ban hành Thông báo số 09/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của lãnh đạo UBND Thành phố, thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng liên quan đến việc chuyển đổi công năng Dự án Tổ hợp Vincom Riverview Complex (phía Đông Nam cầu Sông Hàn, quận Sơn Trà) từ

condotel sang chung cư. Dự án này đi vào hoạt động từ năm 2018 với 864 căn condotel, sau đó chủ đầu tư kiến nghị Thành phố cho phép chuyển đổi công năng.

Bên cạnh các dự án nói trên, thành phố đã tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án condotel khác, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch theo hướng chuyển một phần số lượng condotel tại dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (phía tây đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) do Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô làm chủ đầu tư thành chung cư, nâng tổng số căn hộ chung cư tại dự án này lên 700 căn với tổng diện tích sàn 38.890m2.

Động thái này của chính quyền TP. Đà Nẵng được xem như “tháo nút thắt” cho các dự án condotel. Hiện nay, thành phố chuẩn bị triển khai cấp sổ hồng đối với loại hình lưu trú du lịch, trong đó có

condotel. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Hoàng Việt, sau khi dự án Đà Nẵng Times Square được chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi từ condotel sang chung cư, có khả năng trên địa bàn quận không có thêm chủ đầu tư dự án condotel nào chuyển đổi sang chung cư nữa. “Việc này mang tính chất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư cũng như việc triển khai các dự án”, ông Nguyễn Hoàng Việt cho biết.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Theo tìm hiểu từ các địa phương, sở, ngành của TP. Đà Nẵng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho việc triển khai các dự án condotel , đặc biệt là cấp sổ hồng cho các loại hình lưu trú du lịch như: condotel, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, khách sạn...

Tuy nhiên, cũng theo Chi cục Quản lý đất đai TP. Đà Nẵng, pháp luật về đất đai và đầu tư quy định thời hạn sử dụng đất đối với các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch (condotel, officetel, biệt thự du lịch...) được xác định là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (trường hợp nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa).

Nhưng trên thực tế, đối với các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch, giai đoạn chuẩn bị đầu tư thường kéo dài, có trường hợp từ thời điểm được giao đất đến thời điểm nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng kéo dài từ 5 - 7 năm. Đặc biệt, có trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thời gian sử dụng còn lại chỉ còn 35 - 40 năm do đã bị mất từ 10 - 15 năm.

Nếu các công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú được cấp sổ hồng theo thời hạn sử dụng đất thì có nhiều dự án chỉ còn thời gian sử dụng khoảng 40 năm, thậm chí dưới 40 năm. Thời hạn sử dụng được cấp ngắn thì sản phẩm (căn hộ) không bảo đảm được yêu cầu, nhu cầu của người mua, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng.

Do đó, Chi cục Quản lý đất đai TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn thêm về thời hạn sử dụng được cấp cho người mua căn hộ lưu trú du lịch. Đồng thời, đề nghị tháo gỡ vướng mắc này theo hướng không cấp thời hạn của quyền sử dụng công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo thời hạn sử dụng đất, mà cấp theo thời hạn sử dụng của công trình tính từ thời điểm đưa công trình vào sử dụng, nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua, cũng như tăng hiệu quả kinh tế - xã hội và khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Ông Phạm Nam Sơn - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Sở TN&MT đã yêu cầu Chi cục Quản lý đất đai và các đơn vị trực thuộc sở tiếp tục báo cáo và thuyết minh cụ thể các trường hợp còn vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai (trong đó có vướng mắc trong việc cấp sổ hồng các trường hợp condotel, officetel, biệt thự du lịch...). Trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ có báo cáo gửi Vụ Đất đai cũng như Bộ TN&MT tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới nhằm khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy thị trường bất động sản, phát triển kinh tế - xã hội.

Lan Anh