Xã hội

Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững

Hoàng Nghĩa 18/09/2023 - 17:03

(TN&MT) - Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu tạo việc làm, đào tạo nghề luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chú trọng triển khai, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức đào tạo

Lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khá dồi dào, song chất lượng lao động chưa cao, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp.

Trước thực tiễn đó, năm 2011, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Các xã, phường, thị trấn thành lập tổ chỉ đạo, phân công các thành viên theo dõi, phụ trách địa bàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hội nghị, cấp phát tài liệu sổ tay, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình, kế hoạch của tỉnh với công tác dạy nghề, tư vấn nghề, việc làm cho lao động nông thôn, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Qua công tác tuyên truyền, người lao động đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác đào tạo nghề, chủ động lựa chọn ngành nghề để đăng ký học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

img_20230911_202248.jpg
Người dân Lạng Sơn học sửa chữa máy nông nghiệp.

Đối tượng là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Thời gian học được bố trí phù hợp với ngành, nghề đào tạo, đặc điểm quy trình sản xuất ở từng vùng, từng địa phương.

Các nghề được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng chủ yếu như: Trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn; trồng và chăm sóc na, khoai tây, chăn nuôi gà, lợn, thú y; sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, điện dân dụng, tin học ứng dụng… Ngoài ra, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút lao động nông thôn như: lái ô tô, may mặc, chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch…

Tùy theo đề xuất, nhu cầu của người học, các hình thức dạy nghề cũng được đa dạng, đổi mới, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các thôn, bản.

Tổ chức Hội nghị Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, Ngày hội tư vấn học nghề - Giới thiệu việc làm trong và ngoài nước… Gắn việc đào tạo với giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cử kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia hướng dẫn thực hành cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhận học sinh vào thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

img_20230917_155106.jpg
Lạng Sơn thường xuyên tổ chức các hội nghị, ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Chuyển dịch cơ cấu lao động

Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH Lạng Sơn, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, đã xác định các hình thức đào tạo phù hợp với lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu lao động bền vững.

Thực tế, nhiều mô hình đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm đã phát huy hiệu quả cao. Qua những lớp đào tạo nghề, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; biết áp dụng cách đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm tiêu thụ nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo nghề hiện nay chủ yếu tập trung đào tạo nghề ngắn hạn; cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu lao động; thiếu giáo viên cơ hữu theo ngành, nghề đào tạo. Công tác tuyển dụng giáo viên cơ hữu của các trường cao đẳng, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn; một số Trung tâm thiếu phòng học, nhà xưởng thực hành, trang thiết bị đã lạc hậu không đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề…

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, định hướng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước làm thay đổi nhận thức người lao động về giáo dục nghề nghiệp, coi đây vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi để người lao động chủ động, tích cực tham gia.

Điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, mạng lưới thương mại dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoàn thành theo đúng mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

img_1682308352001_1682308659550.jpg
Qua các lớp đào tạo nghề, người dân nông thôn đã phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống.

Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, tăng 20,5% so với năm 2021; trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu vào thực tế sản xuất; trên 80% số lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã ban hành hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc
các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, hướng tới mục tiêu đào tạo nghề cho trên 71.000 lao động nông thôn giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Hoàng Nghĩa