VNSTEEL: Dành nguồn lực để đầu tư, ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon
Với mục tiêu đến năm 2025 giảm 5 - 10% phát thải carbon ra môi trường, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) đặt ra chiến lược dài hạn là tập trung và dành nguồn lực để đầu tư mới, thay thế, bổ sung công suất, đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon vào quy trình sản xuất; sử dụng nguồn năng lượng xanh như điện gió, năng lượng mặt trời,...
Xu hướng sản xuất xanh, trung hòa carbon là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và lộ trình trung hoà carbon đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Việc chủ động chuẩn bị các điều kiện để thay đổi, thích ứng với quy định mới là điều mà ngành thép và các doanh nghiệp cần xác định để tiếp tục phát triển trong tương lai.
VNSTEEL với vai trò và trách nhiệm của một doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi, đồng thời áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc VNSTEEL cho biết, hiện 82% sản lượng thép thô của hệ thống VNSTEEL là từ lò điện và 18% là từ lò cao và sản xuất tập trung vào hạ nguồn. Theo đó, so với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, lượng phát thải ra môi trường của VNSTEEL là không cao so với bình quân của ngành thép.
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, ngành thép vẫn đang phải chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 46% các quá trình công nghiệp. Hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh, nỗ lực để đạt mục tiêu phát thải carbon bằng “0” vào năm 2050 là xu thế bắt buộc đối với phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam. Đây là thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành thép Việt Nam “lột xác”, chuyển đổi năng lượng, tích cực hiện đại hóa để trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại tiên tiến nhất, phát triển bền vững.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm, VNSTEEL đã xây dựng một chiến lược lâu dài để thích nghi, ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa việc phát thải CO2. Tuy vậy, năng lực sản xuất của VNSTEEL còn phân tán tại nhiều cơ sở, quy mô nhỏ đến trung bình, trình độ công nghệ từ trung bình đến tiên tiến, một số thiết bị cần nâng cấp, thay thế. Từ những hạn chế đó, chiến lược phát triển bền vững tới năm 2050 của VNSTEEL được chia thành các giai đoạn là ngắn, trung và dài hạn.
Với mục tiêu giảm 5 - 10% phát thải carbon ra môi trường đến 2025, VNSTEEL tính toán xây dựng chiến lược ngắn hạn sẽ cần tập trung vào tối ưu hoá vận hành nhằm giảm phát thải, cụ thể: Nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm tiêu hao tại các cơ sở sản xuất thông qua nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao coke về mức bình quân chung; linh hoạt trong sản xuất để thu hồi và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả cả trong cán thép và luyện gang - thép; sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh thay thế phát thải thấp vào quá trình luyện, cán thép; nâng cấp hệ thống xử lý khí thải kết hợp công nghệ thu hồi, tái sử dụng năng lượng đồng thời hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tại các nhà máy để nâng cao hiệu quả của các hệ thống xử lý chất thải công nghệ.
Đặt mục tiêu tới năm 2030 giảm từ 20 - 30% phát thải, chiến lược trung hạn của VNSTEEL tập trung vào đầu tư thay thế công nghệ, thiết bị cũ và lạc hậu. Trong đó, sẽ đầu tư thay thế 2 lò cao quy mô nhỏ tại Tisco; đầu tư hệ thống phát điện tận dụng khí đỉnh lò (TRT) tại VTM và Tisco; đầu tư thay thế các lò điện công suất thấp tại Thép Thủ Đức và Thép Biên Hòa.
Hướng tới mục tiêu 2050 không phát thải ròng CO2, chiến lược dài hạn của VNSTEEL sẽ tập trung dành nguồn lực để đầu tư mới, thay thế, bổ sung công suất, đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon vào quy trình sản xuất; sử dụng nguồn năng lượng xanh như điện gió, năng lượng mặt trời,...
Để đạt được những mục tiêu trên và thành công trong việc giảm phát thải ra môi trường, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo, sự nỗ lực từ các đơn vị trong hệ thống VNSTEEL nói riêng và các doanh nghiệp thép trong nước nói chung sẽ cần sự đồng hành, hỗ trợ định hướng từ Chính phủ, các Bộ, ngành và của Hiệp hội Thép Việt Nam.
Ngoài ra, VNSTEEL đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành tăng cường phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, hydrogen…) sử dụng làm đầu vào cho sản xuất thép và các ngành công nghiệp; Tổ chức nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong luyện thép; sớm có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khi phát triển, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất thép và sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, định hướng liên quan đến phát thải carbon trong ngành thép... hướng đến giảm phát thải về bằng "0" vào năm 2050.