Nga Sơn (Thanh Hóa): Mở rộng diện tích thâm canh và phát triển các sản phẩm từ cói
Nga Sơn là huyện có diện tích trồng cói lớn nhất cả tỉnh Thanh Hóa. Đây là sản phẩm giúp nông dân duy trì thu nhập trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây diện tích trồng cói bị thu hẹp, việc mở rộng phát triển các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ cói gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến những thành quả của hoạt động giảm nghèo của địa phương. Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nga Sơn để nắm rõ hơn định hướng và kế hoạch phát triển diện tích thâm canh cói trong giai đoạn tới.
PV: Xin bà cho biết về thực trạng sản xuất cói trên địa bàn huyện?
Bà Quách Thị Khuyên:
Nga Sơn là huyện có diện tích đất trồng cói lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2015 diện tích sản xuất cói là 858 ha, đến năm 2020 giảm còn 767 ha (giảm 91 ha so với năm 2015), tập trung ở các xã: Nga Tân, Nga Liên, Nga Thủy, Nga Thanh, Nga Thái, Nga Tiến, Nga Phú, Nga Điền. Trong những năm qua diện tích trồng cói giảm do chuyển đổi đất trồng cói kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước, diện tích xen kẹp trong khu dân cư sang trang trại tổng hợp và sang nuôi trồng thủy sản và diện tích đất phi nông nghiệp. Năng suất cói bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 75,7 tạ/ha; sản lượng cói đạt 11.800 tấn/năm; tỷ lệ cói dài đạt 30% sản lượng cói; giá trị từ sản xuất thâm canh cói đạt 144,4 triệu đồng/ha/năm.
Giá trị sản xuất các sản phẩm từ cói mấy năm gần đây ước đạt 238 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng cói, hàng thủ công mỹ nghệ 7 triệu USD; bình quân hàng năm sản xuất được trên 9.000 tấn quại lõi, 863 ngàn lá chiếu, tạo công ăn việc làm cho 7.480 hộ sản xuất TTCN trong vùng.
Trên thực tế trong quá trình chăm sóc, thâm canh cây cói nông dân chủ yếu sử dụng phân đạm đơn để bón thúc cho cói, việc sử dụng phân vi sinh hay sử dụng phân viên nén, phân NPK, phân DAP mới ở dạng mô hình thí nghiệm chưa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; việc tưới tiêu nước cho cây cói áp dụng dưới dạng tưới tràn-tiêu kiệt dẫn đến lượng phân bón bị rửa trôi, đất chai cứng do việc lạm dụng phân hóa học để bón cho cây cói, dẫn đến thời gian thu hoạch ngắn hơn, năng suất cói không cao, chất lượng cói chưa đảm bảo, tỷ lệ cói loại 1 từ 1,6m trở lên chỉ đạt khoảng 30% sản lượng cói.
Các khâu trong sản xuất thâm canh cây cói hoàn toàn là thủ công từ khâu làm đất đến thu hoạch và sơ chế do vậy tốn nhiều công lao động, tăng chi phí trong sản xuất. Nguyên liệu cói sản xuất ra chủ yếu sử dụng vào việc xe lõi, dóc quại, dóc thảm, dệt chiếu, dùng nguyên liệu làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một phần bán sản phẩm dưới dạng cói thô.
Hệ thống công trình thủy lợi của vùng còn thiếu, ít được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, một số công trình hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống kênh mương tưới tiêu chủ yếu là kênh tưới tiêu kết hợp, kênh đất thường bị sạt lở, bồi lắng lòng kênh nhiều vật cản (các loại đăng, đó...) số km kênh mương được kiên cố hóa đạt thấp (mới đạt 10,42%).
Công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng thâm canh cói ở một số xã chưa được chú trọng, diện tích chuyển đổi không tập trung, vẫn còn để diện tích cói xen lúa, cói kết hợp với nuôi trồng thủy sản, khó khăn cho việc điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh. Tổ chức sản xuất theo tính đơn lẻ không có sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất thâm canh cây cói còn nhiều hạn chế.
Những năm gần đây nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm cây cói giảm, không ổn định; giá cói nhiều thời điểm thấp, trong khi đó chi phí đầu vào cho sản xuất cao, nông dân không tha thiết với đồng ruộng. Cơ chế khuyến khích của Nhà nước về thâm canh sản xuất cói chưa được chú trọng, đặc biệt là việc đầu tư hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn; các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất còn hạn chế,... không có doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất.
PV: Thưa bà, những kinh nghiệm cần thiết trong thâm canh cói và định hướng đầu ra cho các sản phẩm từ cói thời điểm này là gì?
Bà Quách Thị Khuyên:
Giống cói đang được sản xuất trên đại bàn huyện Nga Sơn là giống cói bông trắng, chiều cao cây từ 1,5- 2,0m, thời gian sinh trưởng từ 100-120 ngày. Đây là giống cói cho năng suất cao từ 54-95 tạ/ha, phẩm chất đẹp, sợi chắc, tròn, trắng và bền. Thời vụ trồng: Cói có thể trồng quanh năm. Song để cây cói bén rễ, phát triển nhanh và cho thu hoạch hiệu quả và vụ 2 trở đi, nên bố trí thời vụ trồng ở vụ Xuân từ tháng 01 đến tháng 02. Cải tạo chân đất cói cựu cho thu hoạch từ năm thứ 5 trở đi đã kém về năng suất chất lượng. Tuỳ vào tình hình thực tế mà có thể hạ thấp mặt ruộng hay không hạ thấp mà tiến hành làm đất luôn. Sau khi làm đất xong cần phải tưới giữ nước bám mặt ruộng làm cho đất mềm, cây cói thuận lợi đẻ nhánh và nhanh phát triển.
Về chế độ tưới nước cho cây cói chủ yếu là tưới tràn tháo kiệt, không để ruộng quá khô cói bị chết và không để ruộng ngập nước lâu chân cói đen, chất lượng cói kém. Do vậy phải tổ chức nạo vét kênh mương thương xuyên để tưới tiêu chủ động, kịp thời.
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác điều tra, dự tính dự báo và xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại để cây cói sinh trưởng phát triển tốt, giảm chi phí đầu cho nông dân. Tiếp tục nghiên cứu kêu gọi các dự án khoa học nghiên cứu đối tượng sâu, bệnh hại cói và các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Ngành nghề chiếu cói và thủ công mỹ nghệ từ sản phẩm cói là ngành nghề truyền thống từ nhiều đời, nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương rất thuận tiện cho đầu tư phát triển. Vì vậy, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất chiếu, quại, lõi và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói.
Tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, thực hiện thương hiệu OCOP cho các sản phẩm từ nguyên liệu cói.
PV: Xin bà cho biết về kế hoạch sản xuất, thâm canh cói trong giai đoạn tới?
Bà Quách Thị Khuyên: Để phát triển diện tích trồng cói, đem lại hiệu quả góp phần phát triển kinh tế của địa phương, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể như: Tổ chức sản xuất, thâm canh cây cói nhằm đáp ứng nguyên liệu cói cho các làng nghề truyền thống của người dân Nga Sơn, gắn phát triển vùng nguyên liệu cói với thị trường xuất khẩu.
Tập trung thâm canh, cải tạo hạ thấp mặt, không để có diện tích cói tái hoang. Nâng cao chất lượng sản phẩm cói, chất lượng chế biến các sản phẩm từ cói, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, quan tâm xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường, tập trung vào thị trường chiếu chẻ nội địa. Tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người trồng cói.
Đồng thời ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh cói, nhằm giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩn cói. Xây dựng được quy trình thâm canh cói để nông dân trong vùng áp dụng. Đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất thâm canh cây cói.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 diện tích sản xuất, thâm canh cói toàn vùng 455 ha, cho thu hoạch 2 vụ/năm. Tổng sản lượng cói khô đạt 7.000 tấn/năm trở lên. Giá trị thu nhập sản phẩm từ thâm canh cói đạt 190 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ cói dài loại 1 từ 1,65m trở lên chiếm 50% sản lượng cói. Cải tạo, hạ thấp mặt bằng 32,3 ha cói hoang hóa.
Xin trân trọng cảm ơn bà!