Xã hội

Quảng Nam: Khai thác thế mạnh đất đai, thổ nhưỡng để phát triển nông, lâm nghiệp sạch

Lan Anh 18/09/2023 - 15:34

Tận dụng sự dồi dào về tài nguyên đất đai, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã áp dụng nhiều giải pháp phát triển kinh tế lâm - nông nghiệp nhằm tạo đa dạng sinh kế vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu rừng.

Phát triển lâm – nông nghiệp

Không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm trọn vườn bưởi chi chít quả đang vào vụ thu hoạch của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, huyện Nam Trà My. Theo lời bà Lan, nhiều năm trước đây mảnh đất của gia đình bà bỏ hoang vì canh tác không hiệu quả. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp phát triển cây ăn quả, UBND xã Trà Sơn đã xét chọn và hỗ trợ gia đình bà Lan 290 gốc bưởi da xanh. Nhận được nguồn hỗ trợ kịp thời, thiết thực này, bà Lan đã bàn bạc với gia đình cải tạo khu vườn để trồng bưởi, phát triển kinh tế.

mohinh1.jpg
Vườn bưởi gần 300 gốc mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình bà Lan.

Bà Lan cho biết, mỗi năm, vườn bưởi của bà thu lãi hàng trăm triệu đồng, xây được nhà mới khang trang, có tiền nuôi căn ăn học. “Trước đây, đất đai rộng mà không biết làm ăn. Từ khi được chính quyền hỗ trợ giống, gia đình cố gắng chăm sóc giờ vườn bưởi da xanh phát triển tốt. Không chỉ trồng bưởi, gia đình tôi còn chăn nuôi bò, gà vịt, heo đen, heo rừng lai. Mỗi năm tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ đó gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm ăn khá giả” – bà Lan chia sẻ.

Nhiều năm trở lại đây, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam tận dụng nguồn lực đất đai và thuận lợi về khí hậu để việc phát triển những mô hình trồng cây ăn quả và bước đầu giúp người dân có cuộc sống khấm khá, ổn định hơn. Điển hình như mô hình chuyên canh trồng cam tuyết ở xã Ga Ry (huyện Tây Giang), trồng tiêu lòn bon, măng cụt ở Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước), trồng bưởi Thái da xanh ở xã Quế Trung (huyện Nông Sơn), cây quế Nam Trà My… Đặc biệt, người dân đã từ bỏ cách trồng truyền thống và dùng phân hóa học , thuốc trừ sâu mà chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

mohinh2.jpg
Người dân Tây Giang phát triển cây đảng sâm trên đất rừng

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: UBND huyện Tây Giang đã giao Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ, hướng dẫn cho nhân dân các vườn mẫu về cây ăn trái, cây dược liệu theo hướng bền vững và hiệu quả với tổng kinh phí được duyệt trong 2 năm 2022-2023 là hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ hơn 1,7 tỷ, nhân dân đối ứng là hơn 1,9 tỷ đồng, hỗ trợ 13 vườn mẫu, trong đó 9 vườn cây ăn quả, 4 vườn dược liệu, kết quả ban đầu khá tốt, đây cũng chính là các mô hình để nhân rộng ra các hộ khác trên địa bàn. Hy vọng đây sẽ là những mô hình giúp người dân mở hướng thoát nghèo.

Tìm hướng đi bền vững

Quảng Nam là địa phương có nguồn lực đất đai rộng lớn nhưng sản xuất phân tán. Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ở các huyện miền núi, nhiều địa phương đã thực hiện quy hoạch lại đất đai, bố trí vùng sản xuất. Nhiều hộ đồng bào trước đây sản xuất manh mún, chủ yếu “tự cung tự cấp”, nay đã tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa với những vùng chuyên canh, trang trại, trồng rừng sản xuất đa mục tiêu.

Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch huyện Đông Giang cho biết, thời gian tới địa phương tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân thực hiện Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.

mohinh3.jpg
Đời sống của người dân Quảng Nam từng bước được cải thiện nhờ quyết sách phát triển khai thác thế mạnh lâm nông nghiệp ở địa phương

“Đông Giang sẽ đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất một cách bền vững. Ưu tiên trồng rừng tập trung, từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu.”- ông Tùng cho hay.

Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ, đến nay, diện tích rà soát, bổ sung vào chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong năm 2022 là hơn 28.900ha; nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng đến nay có bước phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều đề án, chính sách, tập trung nguồn lực cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó tập trung phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại là một hướng đi đúng, tận dụng lợi thế về đất đai đai, khí khí hậu của địa phương miền núi. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nên việc vận chuyển hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất và đầu ra để tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, cũng như không đảm bảo lượng nước tưới cần thiết của nhân dân trong sản xuất; quy mô các loại cây trồng còn quá nhỏ, thiếu bền vững…

Thời gian tới, để phát triển lâm – nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi, địa phương sẽ tập trung xây dựng 5 chuỗi giá sản phẩm đối với các lĩnh vực gồm: dược liệu, rừng gỗ lớn, cây ăn quả và chăn nuôi, du kịch sinh thái. Ưu tiên phát triển dược liệu, đặc biệt là cây Sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo tạo ra sản phẩm đặc hữu miền núi góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi theo mục tiêu về phát triển kinh tế hàng hóa theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế của miền núi. Trong thời gian đến, cần lựa chọn các nhóm dự án cụ thể để xúc tiến, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào các nhóm dự án quan trọng trên cơ sở phù hợp quy hoạch, khai thác hiệu quả đất đai”- ông Lê Trí Thanh cho biết.

Lan Anh