Biến đổi khí hậu

Điện Biên: Ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

Trần Hương 18/09/2023 - 12:57

(TN&MT) - Trong những năm qua, trước diễn biến phức tạp, khó lường của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, rét đậm, mưa lũ, giông lốc... khiến cho ngành nông nghiệp của tỉnh Điện Biên gặp không ít khó khăn, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực.

Qua theo dõi, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của các hiện tượng thời tiết cực đoan cuối năm 2022, đầu năm 2023 Điện Biên và một số tỉnh lân cận trải qua 8 tháng khô hạn, khiến một số con sông lớn như: Sông Đà, sông Nậm Mức, sông Mã… đều bị cạn trơ đáy, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước, điều tiết nước tưới ẩm cho nhiều diện tích lúa, rau màu của cánh đồng Mường Báng (huyện Tủa Chùa), cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên)… và của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Diện tích lúa, ngô, rau màu, khoai, sắn của cả tỉnh Điện Biên bị ảnh hưởng đợt hạn hán kéo dài trong năm 2022, đầu năm 2023 lên đến hơn 1.000ha. Rất nhiều diện tích lúa ở các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé và huyện Điện Biên phải cứu hạn. Chính vì vậy, nhiều huyện, thị, thành phố của tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp trước mắt cứu lúa, chống hạn bằng các biện pháp tích nước lòng hồ, điều tiết nước luân phiên đủ cấp ẩm cho cây phát triển, sủa dụng nước tiết kiệm, hợp lí, tránh lãng phí.

anh-1.jpg
Nhờ việc điều tiết nước hợp lí mà nhiều thửa ruộng bậc thang của bà con dân tộc Mông xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có đủ nước tưới tiêu cấy lúa vụ mùa.

Một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nhất do đợt hạn hán những tháng đầu năm 2023, ảnh hưởng đến vụ lúa chiêm xuân, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Để ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể là đối với những diện tích cấy lúa trên cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi luôn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, tìm, nghiên cứu những giống lúa chống hạn, kháng bệnh tốt nhưng vẫn đảm bảo sản lượng, năng xuất. Ngoài ra, phổ biến cho người dân sử dụng nước thật tiết kiệm, yêu cầu các đơn vị điều tiết nước thủy nông hết sức lưu ý đến việc hợp lí, đủ cấp ẩm cho lúa phát triển, không xả tràn lan tránh lãng phí tài nguyên nước. Còn đối với những diện tích lúa khô hạn chúng tôi có biện pháp chống hạn kịp thời bằng giải pháp hỗ trợ người dân mua máy bơm, bơm nước ở lòng hồ lên…

Đợt khô hạn đầu năm 2023 không riêng gì huyện Điện Biên bị ảnh hưởng nhiều diện tích ngô, lúa, rau mà mà tất cả các huyện khác của tỉnh Điện Biên đều có chung tình trạng nguy cơ cao mất mùa. Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có tổng diện tích lúa nước đủ điều kiện gieo cấy 52,352ha. Ngô 27.893ha và khoảng gần 5.500ha diện tích các loại cây lương thực khác; 10/10 huyện, thị, thành phố đều sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được ví như xương sống của địa phương này.

anh-2.jpg
Mặc dù hạn hán nhưng cánh đồng Mường Thanh vẫn có đủ nước để người dân gieo cấy vụ mùa năm 2023.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm thực hiện tốt công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKHĐ) một cách bài bản, hệ thống và lâu dài. Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Việc đề ra các giải pháp nhằm ứng phó BĐKHĐ là công việc thường xuyên, xuyên suốt của địa phương... nên chúng tôi luôn coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp như tỉnh Điện Biên. Việc ứng phó BĐKHĐ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người dân chủ động mùa gieo cấy, chủ động thu hoạch, chủ động linh hoạt trong sản xuất, tránh lúa ngô thụ phấn những thời điểm nắng hạn, khô hanh hay rét đậm rét hại… mọi tình huống của thời tiết người dân đều có thể biết cách phòng, chống để không bị ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng lương thực cũng như chất lượng hàng nông sản khi thu hoạch.

anh-3.-.jpg
Người nông dân vui được mùa trên cánh đồng Mường Thanh.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm chúng tôi đã yêu cầu Sở TN&MT xây dựng kế hoạch để các địa phương bám sát thực hiện. Trong đó, chú trọng đến việc phát triển diện tích 3 loại rừng nhằm giữ ẩm, giữ nước. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị sử dụng, vận hành các hồ và lòng hồ chú ý đến việc tích nước, điều tiết nước trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là các lòng hồ thủy điện, đó là những việc cần làm ngay. Còn về lâu dài, các sở ngành bám vào Công văn số 1454/BTNMT-BĐKH, ngày 9/3/2023 của Bộ TN&MT, về việc triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022; Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKHĐ cấp tỉnh định kỳ 10 năm, gắn với các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời tổ chức, đánh giá tác động những đối tượng dễ bị tổn thương, rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu để sớm có giải pháp phòng ngừa. - Ông Toàn nói.

Để thực hiện tốt công tác ứng phó BĐKH, hiện nay tỉnh Điện Biên đã ban hành Công văn số 887/UBND-KTN, ngày 17/3/2023, về việc triển khai Công văn số 1454/BTNMT-BĐKH, ngày 09/3/2023 của Bộ TN&MT, về việc triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định
(NDC) cập nhật năm 2022 và Công văn số 2418/UBND-KTN, ngày 02/8/2022, về việc
triển khai Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ,Chiến lược quốc gia về ứng phó BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Trần Hương