Giải pháp tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững cho siêu đô thị
(TN&MT) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 4, năm 2023, chiều 15/9 đã diễn ra phiên thảo luận "Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị" như là TP.HCM.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để có tăng trưởng xanh cần phải vượt qua nhiều thách thức, từ tư duy, chi phí ban đầu, cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn, đầu tư công nghệ xanh, hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách, cho đến kỳ vọng xanh của khách hàng, yêu cầu bền vững của nhà cung cấp; bởi vậy cần sự nỗ lực từ nhiều phía và là hành trình gian nan.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Lãnh đạo TP.HCM sớm nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong bối cảnh toàn cầu và bối cảnh của một siêu đô thị. Thành phố cam kết thúc đẩy sự phát triển xanh vì đây không chỉ là nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trong thời gian hiện tại mà còn cho những thế hện tương lai.
Tham gia thảo luận, ông Thuriot Denis, Thị trưởng TP. Nevers (Pháp) cho rằng, một thành phố xanh là một thành phố hài hoà, xanh bao hàm cả sự gần gũi, thân thiện. TP.HCM muốn phát triển bền vững phải đảm bảo các yếu tố phát triển xã hội - kinh tế - con người và môi trường.
Tuy nhiên, ông Denis cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển bền vững, cần phải tìm ra cách để chuyển đổi từ “khái niệm” cho đến “thực thi”. Sự chuyển đổi này cần nỗ lực và phối hợp chung từ các bên.
Ông Sebastain Eckardt, Giám đốc Khối Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể đẩy mạnh ngành sản xuất dùng nguồn điện phát thải thấp tái tạo. Các ngành công nghiệp cần tính đến tác động môi trường lâu dài và cần có sự hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ chuyển đổi năng lượng này.
Còn Ông Sanmuga Retnam, Metropoli Fundation, đồng Chủ tịch liên minh phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần tìm kiếm hệ sinh thái phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trong đó, TP.HCM có nhiều nguồn lực, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đó là lý do mà các siêu đô thị hướng tới sự “thông minh”. Chúng ta phải có những dự án “thông minh” trong tương lai, phải có những kế hoạch cạnh tranh lành mạnh và sự hợp tác. TPHCM đang phát triển rất nhanh chóng và có nhiều khả năng để thực hiện những dự án thông minh.
Ông Sanmuga Retnam cũng nhận định, GDP của Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro của phát triển bền vững khi những ngành phát thải cao đang đóng góp cho GDP của quốc gia. Phát thải carbon có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2050 nếu như không thực hiện những chính sách hiệu quả.
Vì vậy, các ngành kinh tế phải thể hiện trách nhiệm của mình. Theo ông Sanmuga Retnam, Thành phố thông minh không chỉ sử dụng công nghệ thông minh mà còn xây dựng một xã hội tri thức. Cho nên, TP.HCM có thể tận dụng nguồn lực trẻ để giải đáp những thách thức trong tương lai.
TP.HCM sẽ xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong cơ cấu GRDP
Tại buổi hợp báo tổng kết Diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá: Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4, năm 2023 với chủ đề: “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0” đã thành công, hoàn thành toàn bộ chương trình và mục tiêu đề ra. Diễn đàn nhận sự được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, theo ông Võ Văn Hoan thông qua Diễn đàn, Thành phố đã tiếp nhận ý tưởng, hoạch định các chính sách lâu dài, và những kinh nghiệm thực tế của các nước có thể áp dụng ngay tại Việt Nam về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.
Từ nay đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng khung chính sách, bộ tiêu chí trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh để sớm ban hành thực hiện. Trong đó, TP.HCM phải có kế hoạch hành động tổng thể và cụ thể, phải thể hiện nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong cơ cấu thành phố GRDP hàng năm của thành phố.