Môi trường

Nâng cao nhận thức về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải tại Việt Nam

Khánh Ly 14/09/2023 - 14:09

(TN&MT) - Ngày 14/9, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo khởi động hỗ trợ kỹ thuật “Đào tạo và mô phỏng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) tại Việt Nam”.

Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ETS cho các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn – những đơn vị sẽ tham gia trực tiếp vào ETS của Việt Nam trong tương lai.

anh-1.jpg
TS Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (hay thị trường các-bon nội địa) là một trong các công cụ định giá các-bon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Theo TS Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu: Lộ trình triển khai thị trường các-bon được quy định rõ tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Các cơ quan cũng sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

anh-4.jpg
Quang cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á, một trong những hoạt động hỗ trợ là lựa chọn và hướng dẫn sử dụng công cụ mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan hiểu thêm về chức năng, quy trình vận hành, quản lý, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch. Đây là hỗ trợ rất hữu ích cho các bên liên quan trong thiết lập, vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam – bà Mai Kim Liên cho biết.

Nghị định 06 quy định 3 nhóm đối tượng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam, bao gồm: Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước (tự nguyện); Cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải KNK, tín chỉ các-bon trên thị trường các bon tự nguyện.

Theo ông John Robert Cotton, Quản lý chương trình cấp cao, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP), tác động của biến đổi khí hậu đã rất rõ ràng, biểu hiện qua sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và hệ quả tiêu cực mà các quốc gia phải đối mặt. Vấn đề hiện nay là phải đẩy nhanh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã có các cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, và thể hiện quyết tâm ấy qua việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06, trong đó có các quy định về xây dựng thị trường các bon. Đây là động lực quan trọng và ETS đóng vai trò công cụ giúp thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm phát thải trong thời gian tới, góp phần trong xu thế chuyển dịch nền kinh tế theo hướng bền vững.

anh-2.jpg
Ông John Robert Cotton, Quản lý chương trình cấp cao, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP) phát biểu tại hội thảo

Việc thiết lập thành công, quản lý và vận hành hiệu quả ETS ở Việt Nam cần có các sáng kiến và đa dạng hoạt động tăng cường năng lực ở các quy mô khác nhau, nhằm nâng cao hiểu biết về ETS cho các bên liên quan, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách.

Theo bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu (VNEEC), các khóa đào tạo trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này sẽ sử dụng công cụ mô phỏng thị trường các-bon được điều chỉnh riêng phù hợp cho bối cảnh của Việt Nam. Đồng thời, trang web về ETS cũng sẽ được xây dựng để cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của các bên liên quan về ETS trong tương lai tại Việt Nam. Từ thông tin thu được từ các từ khóa đào tạo và dựa trên việc phân tích các bài học kinh nghiệm và tác động của ETS đối với quá trình chuyển dịch năng lượng, hỗ trợ kỹ thuật này sẽ tổng hợp các khuyến nghị chính sách cho việc thiết kế và triển khai ETS ở Việt Nam.

Trước mắt, đơn vị tư vấn sẽ tiến hành các phân tích, khảo sát và tham vấn về mức độ sẵn sàng và nhận thức của các doanh nghiệp và cơ sở về phát thải/giảm phát thải khí nhà kính và thị trường các-bon. Đồng thời, lập kế hoạch tổ chức khóa học tổng thể về thị trường các-bon dành cho các cán bộ chủ chốt liên quan đến phát triển thị trường các-bon, nhằm học hỏi và trao đổi kiến thức cũng như kinh nghiệm quản trị về ETS.

anh-4(1).jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu và các chuyên gia đã giới thiệu thiết kế và lộ trình triển khai ETS của Việt Nam; sự phát triển của các ETS trên thế giới và vai trò của ETS trong quá trình chuyển dịch năng lượng và đạt được các mục tiêu NDC ở Việt Nam; kế hoạch thực hiện và tiến độ hỗ trợ kỹ thuật “Đào tạo và mô phỏng hệ thống thương mại phát thải tại Việt Nam”; giới thiệu về CarbonSim – công cụ mô phỏng thị trường các-bon hiệu quả để hiểu về ETS. Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận làm rõ hơn về ETS và các hoạt động đào tạo trong thời gian tới.

ETS và hạn ngạch phát thải

Trong một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS), cơ quan quản lý xác định một hạn mức của lượng khí nhà kính có thể phát thải trong các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế (phạm vi áp dụng của ETS).

Giấy phép hoặc hạn ngạch phát thải được cấp hoặc bán (phân bổ) cho các đơn vị thuộc phạm vi của ETS, mỗi hạn ngạch tương ứng với một tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Khi kết thúc một khoảng thời gian xác định (thường là 1 năm), các đơn vị tham gia ETS phải kết toán số hạn ngạch tương ứng với lượng phát thải của họ trong khoảng thời gian đó. Trong một số trường hợp, tín chỉ các-bon có thể được sử dụng để bù trừ cho hạn mức được phân bổ với một tỷ lệ nhất định. Các đơn vị phát thải thấp hơn lượng hạn ngạch cho phép có thể bán lại phần dư cho các bên tham gia khác trong hệ thống, hoặc các bên có thể bán hạn ngạch khi giá cao và mua lại khi giá thấp. Nhờ đó, các đơn vị có chi phí giảm thải thấp có thêm động lực giảm phát thải, trong khi các đơn vị có chi phí cao hơn có thể chọn tuân thủ bằng cách mua hạn ngạch từ thị trường.

untitled.png
Cơ chế hoạt động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải

Hạn ngạch phát thải khác với tín chỉ các-bon. Tín chỉ các-bon là một loại chứng chỉ thể hiện việc giảm một tấn phát thải KNK – 1 tấn CO2tđ. Những tín chỉ này được tạo ra từ các dự án giảm phát thải KNK, như dự án năng lượng tái tạo, dự án sử dụng năng lượng hiệu quả và dự án trồng và bảo vệ rừng. Tín chỉ các-bon có thể được giao dịch trên thị trường các-bon quốc tế hoặc trong nước và các công ty có thể sử dụng chúng để bù trừ lượng phát thải của mình với một giới hạn nhất định (Riêng ở Việt Nam, mức bù trừ không được vượt quá khoảng 10% hạn mức được phân bổ).

Khánh Ly