Biến đổi khí hậu

Đài KTTV khu vực Nam Bộ: Đẩy mạnh sử dụng công nghệ trên nền tảng AI

Nguyễn Quỳnh 14/09/2023 - 09:22

(TN&MT) - Đến nay, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ đã chuyển toàn bộ phương pháp dự báo KTTV truyền thống sang công nghệ số, từng bước sử dụng công nghệ dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI… để nâng cao chất lượng dự báo, cung cấp những sản phẩm chất lượng trong thời gian sớm nhất phục vụ công tác phòng chống thiên tai và các nhu cầu kinh tế - xã hội.

Ứng dụng công nghệ AI trong dự báo KTTV

Đến nay, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đang quản lý mạng lưới hơn 400 trạm quan trắc KTTV và môi trường, phân bố rộng khắp trên 19 tỉnh, thành phố và ngoài biển; các thiết bị quan trắc cơ bản được chuyển đổi từ thủ công, bán thủ công sang hoàn toàn tự động; số liệu quan trắc được thu thập chính xác, kịp thời phục vụ tốt cho công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương khu vực Nam bộ.

pic8_dbv(1).jpg
Đài KTTV khu vực Nam Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác dự báo KTTV

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho biết: Công tác dự báo KTTV của Đài đã liên tục có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Từ chỗ chỉ sử dụng công cụ dự báo chủ yếu bằng phương pháp Synop truyền thống, phương pháp thống kê… đến nay, công nghệ dự báo số đã được triển khai ứng dụng trong nghiệp vụ hàng ngày. Hiện tại, Đài dự báo thời tiết chủ đạo bằng các mô hình WRF độ phân giải ngay lên tới 3km, trên cơ sở tích hợp đồng hóa dữ liệu các trạm khí tượng mặt đất và radar thời tiết.

Theo ông Lê Ngọc Quyền, nét nổi bật trong công tác dự báo của Đài là vừa tiếp nhận các kết quả chuyển giao công nghệ dự báo hiện đại trên thế giới, Tổng cục KTTV, vừa đẩy mạnh tự nghiên cứu, ứng dụng đưa công tác dự báo theo hướng lượng hóa, tự động hóa. Tập trung đầu tư chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện việc đồng hóa dữ liệu liệu quan trắc phục vụ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiệp vụ dự báo KTTV.

“Chính vì vậy, chất lượng dự báo đã được nâng cao, công tác phục vụ KTTV ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu của các cấp, các ngành trong khu vực phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lê Ngọc Quyền khẳng định.

Theo ông Lê Ngọc Quyền, trong giai đoạn tới, Đài KTTV khu vực Nam Bộ xác định định hướng mục tiêu tập trung phát triển về khoa học công nghệ dự báo KTTV trên nền tảng IoT (kết nối vạn vật), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)…

Đặc biệt, Đài đặt mục tiêu tiến tới thiết lập bản tin dự báo tự động chi tiết cực ngắn từng giờ, hiển thị trên nền WebGIS; khai thác tốt các mô hình tính toán dự báo thủy văn đang được sử dụng, khai thác hiệu quả bộ phần mềm hỗ trợ dự báo thời tiết Smartmet. Tiến tới công nghệ xây dựng bản tin thời tiết “không giấy”, phương thức truyền tin phát triển theo hướng xây dựng ứng dụng truyền tin trên điện thoại thông minh.

“Đài KTTV khu vực Nam Bộ hướng tới là một trong những đơn vị uy tín, tiên phong trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV áp dụng công nghệ tiên tiến, cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo về KTTV, hải văn cho nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho biết.

Người dân có thể được cảnh báo ngập lụt trước 15 phút

Ngày 30/3, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập, Đài KTTV khu vực Nam Bộ chuyển giao, ứng dụng công nghệ dự báo ngập cho TP. Thủ Đức (TP.HCM). Đây là kết quả của công trình “Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM” do Đài thực hiện.

Theo đó, hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt trên địa bàn TP.HCM trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng GIS (hệ thống thông tin địa lý) và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo ngập lụt kịp thời, chính xác, theo hướng dự báo ngắn để chủ động phòng tránh, ứng phó với ngập lụt. Kết quả dự báo, cảnh báo sẽ được chia sẻ thông tin trên kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM, cho phép chính quyền và người dân truy cập một cách thuận lợi thông tin cảnh báo ngập theo thời gian thực.

Theo ông Lê Ngọc Quyền, đây là hệ thống hoàn toàn tự động, khép kín từ khâu dự báo mưa từ hình ảnh radar, đến dự báo mực nước tự động và dự báo ngập lụt bằng công nghệ AI. Sau đó, truyền tải thông tin kết quả dự báo đến cơ quan nhà nước qua WebGIS và người dân qua App trên thiết bị điện thoại thông minh.

Trên cơ sở hợp tác với TP. Thủ Đức, từ tháng 6 đến nay, Đài triển khai dự báo thử nghiệm trên địa bàn TP. Thủ Đức. Thông tin dự báo được tự động cập nhật liên tục trên trang WebGIS và kết nối với Cổng thông tin điện tử và ứng dụng trực tuyến “TP. Thủ Đức”. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân có thể truy cập web để nắm được số liệu dự báo mưa, ngập. Đặc biệt, người dân khi tải App “Thời tiết Sài Gòn” sẽ được nhận tin nhắn về các thông tin cảnh báo ngập trước thời gian có thể, sớm nhất là 15 phút.

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ TP. Thủ Đức đánh giá: Hệ thống phần mềm dự báo ngập lụt sớm cho TP. Thủ Đức tuy mới được thử nghiệm nhưng đã thực sự phát huy hiệu quả, đem lại nhiều tiện ích cho cơ quan quản lý và người dân. Theo đó, UBND các phường, Phòng Quản lý Đô thị của TP. Thủ Đức có thể truy cập web để theo dõi, cập nhật các thông tin dự báo về mưa lớn trong thời gian cụ thể để đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Còn người dân khi tải App sẽ nhận được các thông báo cảnh báo về các điểm có thể xảy ra ngập lụt.

Cũng theo ông Thịnh, Đài KTTV và Khu công nghệ cao (đơn vị cung cấp phần cứng) đã tổ chức tập huấn cho các phường về sử dụng, khai thác phần mềm ứng dụng này. Dự kiến trong tháng 11, Đài KTTV Nam Bộ và UBND TP. Thủ Đức và các đơn vị liên quan sẽ tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thử nghiệm, từ đó đề xuất nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố.

Nguyễn Quỳnh