TP.HCM: Hướng tới nền kinh tế xanh
(TN&MT) - Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” diễn ra từ ngày 13/9 - 17/9/2023. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong lộ trình chuyển đổi xanh, hướng tới nền kinh tế xanh của “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Tiếp thu kinh nghiệm “tăng trưởng xanh” của thế giới
Sáng 15/9, Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 4 sẽ chính thức được khai mạc tại Hội trường Thành phố. Tại phiên khai mạc, sẽ có 6 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”.
Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TP.HCM và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.
Chiều 15/9, Phiên thảo luận song song được chia thành 3 phiên với các chủ đề khác nhau như: Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị (như TP.HCM); Hợp tác Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, chiều 13/9, Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh đã được khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và mở cửa cho người dân và du khách tham quan xuyên suốt trong 5 ngày từ ngày 13 - 17/9. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh” cho các doanh nghiệp nhằm tôn vinh và ghi nhận những công trình, sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng đã và đang áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của doanh nghiệp thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thông qua Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, thành phố mong muốn có những trao đổi, đóng góp thẳng thắn, thực chất, sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững trên thế giới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của TP.HCM.
Dễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, khoảng 1.200 - 1.500 đại biểu tham dự gồm các định chế tài chính, tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia, đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tiên phong chuyển đổi xanh
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, TP.HCM được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Bristol (Vương quốc Anh), TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn các-bon/năm, trong đó ngành công nghiệp chịu trách nhiệm khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế - tương đương khoảng 4 - 12 triệu tấn các-bon trong vòng 7 năm tới.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, vấn đề an ninh năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học… Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thành phố, giảm động lực tăng trưởng.
Vì vậy, TP.HCM sẽ là địa phương có trách nhiệm, đi tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; và nhận nhiệm vụ là địa phương đầu tiên, có trách nhiệm lớn nhất trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhận thức được trách nhiệm đó, TP.HCM đã khởi động và có những nghiên cứu ban đầu về chuyển đổi xanh. Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 sắp tới, TP.HCM sẽ có công bố khung chiến lược về phát triển xanh. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn lực bằng việc huy động tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh kết nối trong nước và quốc tế. Đồng thời, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hệ thống chính sách liên quan nhằm đảm bảo trọng tâm giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đề xuất những giải pháp TP.HCM cần làm để hướng tới nền kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển đổi xanh, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Bristol cho rằng, TP.HCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng; đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tính toán nỗ lực giảm phát thải; cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải.
Đồng thời, TP.HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường các-bon tự nguyện trong nước với khu vực. Đồng thời, thành phố nên xem đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa (số hóa).
Ngoài ra, với vai trò trung tâm phân phối - cửa ngõ xuất khẩu, việc xây dựng sàn trao đổi tín chỉ các-bon theo dạng ETS (hệ thống giao dịch khí thải) cần phải được thực hiện sớm, đạt được thí điểm vào năm 2025. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng bởi CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon sẽ được EU áp dụng từ 2026) cũng cần được ưu tiên tham gia thị trường ngay từ giai đoạn thí điểm, để giảm được những chi phí tăng lên theo yêu cầu từ phía EU.