Xã hội

Quảng Ninh: Thoát nghèo nhờ biết cách bảo vệ đa dạng sinh học

Phạm Hoạch 13/09/2023 - 18:01

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Chính vì vậy, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, bảo vệ sự đa dạng sinh học, tạo nguồn lợi về lâm, thủy sản giúp người dân có sinh kế lâu dài.

Nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có ĐDSH cao với khoảng 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm và thực vật và 19 hệ sinh thái chính. Trong đó có 182 loài đặc hữu, 154 loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007, 56 loài thuộc Nghị định 32/NĐ-CP và 72 loài thuộc Danh mục đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) 2009.

anh-qy-01.jpg
Nuôi hà treo dây tại TX.Quảng Yên vừa cho thu nhập ổn định đối với người nuôi vừa tạo việc làm cho người lao động bổ hà lấy ruột sau khi thu hoạch

Trong nhiều năm qua, để bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái, tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, trên cơ sở đó từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác cũng như định hướng phát triển của tỉnh theo hướng bền vững.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trong vùng Vịnh Hạ Long tồn tại nhiều kiểu hệ sinh thái về thảm thực vật trên đảo, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng - áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ. Vịnh Hạ Long cũng là nơi sinh trưởng của gần 3.000 loài động thực vật, cùng nhiều loại thủy hải sản, đây là nguồn lợi to lớn để ngư dân có việc làm và thu nhập ổn định thông qua việc đánh bắt có kiểm soát, cũng như nuôi trồng nhiều loại hải sản có giá trị cao như cá song, tôm, cua, mực.

Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch thành lập 3 hành lang đa dạng sinh học loại không liên tục, gồm: Hành lang ven biển, hành lang núi, hành lang biển với tổng diện tích là 131.525ha để quản lý trong giai đoạn 2021-2030.

Những năm gần đây, Quảng Ninh ưu tiên thực hiện trước hành lang sinh thái ven biển (giai đoạn 2021-2025) với các dự án, như: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ Đê Thôn 1, xã Hải Đông, tại TP.Móng Cái đã trồng được 88,1ha; dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015- 2020 được phê duyệt với quy mô 1.444ha và khoanh vùng 14 khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

anh-qy-02.jpg
Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Hoàng Tân là nơi trú ngụ sinh trưởng của nhiều loại thủy sản có giá trị cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Với việc bảo tồn ĐDSH, cùng hàng chục nghìn héc ta rừng ngập mặn ven biển là “ngôi nhà” cho các loài thủy hải sản trú ngụ, sinh trưởng, tạo ra nguồn lợi thủy sản bền vững, giúp cho hàng nghìn hộ dân vùng ven biển có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung khai thác với bảo tồn

Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển tiếp giáp với Vịnh Hạ Long, rừng ngập mặn tại xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích như: ngán, sò, cua bể, tôm hà treo dây.

Ông Ngô Doãn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân chia sẻ, từ nhiều năm nay, địa phương phối hợp với các phòng chuyên môn của TX.Quảng Yên tiến hành đánh giá thực trạng nguồn lợi thủy sản tại vùng ngập nước ven biển, cũng như rừng ngập mặn cho giá trị kinh tế cao để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững, giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Vũ Văn Mạnh, thôn 2, xã Hoàng Tân cho biết, trước đây bà con trong thôn chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản tự nhiên, những năm gần đây được chính quyền tuyên truyền vận động về tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, nên đa số người dân chuyển sang nuôi trồng trên thủy sản ở vùng mặt nước bãi triều, góp phần bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hiện gia đình nuôi 0,3ha hà treo dây, mỗi năm cho thu nhập gần100 triệu đồng, cuộc sống dần trở nên khấm khá hơn trước.

anh-qy-03.jpg
Người dân xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà vận chuyển phao nhựa đạt chuẩn thay thế phao sốp trong nuôi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bái Tử Long chia sẻ, tỉnh đã triển khai "Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Bái Tử Long, giai đoạn 2016- 2020". Sau 5 năm thực hiện, đến nay vẫn tiếp tục duy trì, hiện đã góp phần quan trọng cải thiện tình trạng suy giảm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn lợi nhuyễn thể ven các đảo trước đây, một số loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao như bào ngư, hải sâm, cầu gai có sự phục hồi tốt.

Thành công lớn nhất của dự án đó là người dân địa phương không còn khai thác tự do, tận thu, mà trực tiếp tham gia đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, khai thác hợp lý đi liền với bảo tồn, cùng chung tay với Vườn quốc gia Bái Tử Long bảo vệ vùng bãi triều, vùng rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững, ổn định cuộc sống cho ngư dân.

Những nỗ lực, quyết sách đúng đắn của Quảng Ninh trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên ĐDSH là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, giữ gìn môi trường tự nhiên cho tương lai.

Phạm Hoạch