Xã hội

Bắc Kạn: Ứng dụng khoa học vào nông nghiệp để phát triển bền vững

Mai Đan 13/09/2023 - 18:01

(TN&MT) - Sau 2 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (2021-2022), tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Ứng dụng công nghệ, sản xuất hiệu quả cao

Về kết quả cơ cấu lại khu vực nông nghiệp và chuyển dịch đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm ngành NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách để từng bước ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp.

Điều này đã mang lại kết quả tích cực, một trong số đó là tỉnh đã chọn ra được nhiều giống lúa, giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh Bắc Kạn vào cơ cấu giống của tỉnh; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại giống có nguồn gốc, kháng hoặc ít nhiễm sâu bệnh, giống lai có năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Các giống lúa mới đưa vào sản xuất là giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật, được nghiên cứu khảo nghiệm từ 3 vụ trở lên, nhờ đó năng suất lúa ngày càng tăng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

img202210201000032jpg-8814d1d89f68.jpg
Bắc Kạn chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hơn nữa, việc triển khai thực hiện mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đồng thời giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm; hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các hoá chất bảo vệ thực vật và các loại phân hoá học có tác động xấu đến môi trường.

Tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ chế phẩm E.M để xử lý chất thải trong chăn nuôi ở các trang trại, gia trại, các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ góp phần giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm; ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng các mô hình hầm khí biogas ngoài việc bảo vệ môi trường, còn sử dụng năng lượng tái tạo từ khí đốt từ Biogas phục vụ nông hộ.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn mầm bệnh, ảnh hưởng tích cực đến quá trình tiêu hóa; giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong ao nuôi, góp phần đưa sản lượng nuôi thủy sản ngày càng tăng.

Nhằm thu hút các nguồn vốn thực hiện các chương trình chuyển giao tiến bộ, ngành NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp, hợp tác với các tổ chức 3PAD, Kfw8,… để triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; phối hợp với các công ty thực hiện mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Đáng chú ý, các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được các địa phương triển khai, nhân rộng; chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Sản phẩm ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chú trọng chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao

Theo ông Nguyễn Trọng Uyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, việc chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao được các địa phương quan tâm thực hiện, từ năm 2021-2023, tỉnh chuyển đổi được khoảng 141ha diện tích trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, duy trì diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018 đến 2023 ước đạt 1.859ha.

Ông Nguyễn Trọng Uyên cho rằng việc chuyển đổi đất lúa sang trồng lúa chất lượng cao và những loại cây có giá trị kinh tế cao là trọng tâm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 6 lần trở lên so với canh tác lúa.

Cụ thể, trên đất canh tác lúa 2 vụ/năm cho thu nhập trung bình từ 50-60 triệu đồng/năm; khi chuyển đổi sang trồng rau, màu cho thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha/năm (gấp 4-5 lần so với canh tác lúa); nếu chuyển sang trồng cây lâu năm như trồng cây ăn quả (cam quýt, bưởi, hồng không hạt, ổi) cho thu nhập trung bình từ 70-150 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,5-4 lần so với canh tác lúa); chuyển sang trồng cây thuốc lá cho thu nhập trung bình 65 triệu đồng/vụ/năm (gấp 3 lần so với canh tác lúa); chuyển sang trồng cây dong riềng cho thu nhập trung bình 67-88 triệu đồng (gấp 2 lần so với canh tác lúa),…

t56-ban-pho-4284.jpg
Nông dân thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) chăm sóc khoai tây trồng trên đất lúa

Nổi bật ở Bắc Kạn trong cơ cấu lại nông nghiệp là trồng rừng. Tổng diện tích rừng trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác từ năm 2021 đến 2023 là 9.858ha/17.500ha, đạt 56% mục tiêu đến năm 2025. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35%, vượt mục tiêu nhiệm kỳ. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân 274.490/300.000m3 góp phần nâng cao giá trị từ rừng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện trên thị trường các tỉnh lân cận, có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và một số quốc gia châu Á. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tình hình hạn hán gây nhiều thiệt hại nhưng nhờ hiệu quả của cơ cấu lại ngành mà tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 5,2%, cao nhất từ năm 2020 tới nay. Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp lớn với sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh.

Có thể thấy, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã giúp tỉnh Bắc Kạn bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, đặc biệt là các nông sản bản địa nhiều sản phẩm được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, thành phố Bắc Kạn đã thực hiện giảm được 74 hộ nghèo (vượt 32 hộ so với kế hoạch), từ 2,76% xuống còn 2,33%. Tổng số vốn phân bổ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Bắc Kạn là hơn 7,4 tỷ đồng, triển khai đầu tư các dự án, tiểu dự án theo kế hoạch tại các xã, phường. Các địa phương tích cực triển khai thông tin đến cộng đồng dân cư biết và lựa chọn dự án, mô hình sản xuất phù hợp.

Mai Đan