Doanh nghiệp - doanh nhân

Trách nhiệm của ngành công nghiệp thép là sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Phương Hà 13/09/2023 - 10:22

Đó là nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) tại Hội nghị và Triển lãm “Ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh”.

Hội thảo và triển lãm sẽ diễn ra trong hai ngày 12 - 13/9/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong, TP. Hà Nội.

Đây sẽ là diễn đàn cung cấp và trao đổi thông tin đa chiều và mới nhất của các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các doanh nghiệp thép trong và ngoài nước... về quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam, khu vực và quốc tế, dòng chảy thương mại. Từ đó, giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.

1(7).jpg
Các đại biểu ấn nút khai mạc triển lãm. Ảnh: Đức Dũng

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc VNSTEEL cho biết, công nghiệp thép toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp thép Việt Nam đã từng bước phát triển cùng với sự nghiệp đổi mới và có nhiều đóng góp lớn lao vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển đột phá và vươn mình mạnh mẽ để trở thành nhà sản xuất thép thô thứ 13 thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.

002.jpg
Ông Nghiêm Xuân Đa phát biểu tại Hội thảo tập huấn "Kiểm kê và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sản xuất thép". Ảnh: Thu Hường

Cùng với đó, ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghê, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số doanh nghiệp thép đã tận dụng nhiệt dư phát điện đáp ứng hầu hết nhu cầu điện của nhà máy thép liên hợp và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, ngành thép vẫn đang phải chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và 46% các quá trình công nghiệp (đã xác định tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu). Đây thực sự là thách thức rất lớn của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới để vừa hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, vừa tăng trưởng xanh cùng bối cảnh chuyển đổi xanh của thế giới.

Trách nhiệm của ngành công nghiệp thép là sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng Giám đốc VNSTEEL

Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm “Ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh”, Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi hội thảo liên quan đến chủ đề “Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh” trong năm 2023 để cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp ngành thép cập nhật các quy định pháp luật mới nhất của cơ quan quản lý Nhà nước; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu; Xu hướng công nghệ sản xuất thép thân thiện và cơ chế tiếp cận tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai.

1-1-1.jpg
Ngành thép đang phải chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và 46% các quá trình công nghiệp

Theo đó, ngày 12/9, tổ chức Tài chính quốc tế IFC đã phối hợp với Hiệp hội Thép tổ chức Hội thảo tập huấn "Kiểm kê và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sản xuất thép" để giúp các doanh nghiệp thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu cũng như thực hiện tốt Báo cáo kiểm kê và kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Việt Nam. Hội thảo tập huấn đã thu hút sự tham dự của gần 60 doanh nghiệp sản xuất thép.

Từ 01/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu, trước mắt là thực hiện Báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Với Hội thảo và Triển lãm lần này, các chuyên gia ngành thép hi vọng sẽ đánh dấu một bước chuyển mới, nhận thức về trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành thép nói riêng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất - tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững nền công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian tới.

Phương Hà