Nghệ An: "Nóng ruột" với trạm bơm hàng chục tỷ bỏ hoang gần chục năm
Trạm bơm Vực Giồng là một dự án lớn được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2014, nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 70ha lúa 2 vụ và gần 150ha hoa màu cho các hộ dân khối 3 và 4 thuộc phường Long Sơn, TX Thái Hòa (Nghệ An). Thế nhưng, đến nay hệ thống Trạm bơm này vẫn chưa được đưa vào vận hành phục vụ sản xuất, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.
Công trình hàng chục tỷ “đắp chiếu”
Trạm bơm Vực Giồng ở phường Long Sơn, TX Thái Hòa là một trong những công trình của hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu của Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.
Dự án được bố trí tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng trích từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hệ thống trạm bao gồm: 2 máy bơm chìm với tổng công suất 90 KW, nhà vận hành, trạm biến áp, 2 tuyến kênh chính dài gần 3 km, 4 tuyến kênh cấp 1 dài hơn 2,6 km.
Công trình đã thi công hoàn thành ngày 30/5/2015 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quyết toán hoàn thành tại Quyết định số 3974/QĐ-BNN-TC ngày 19/10/2022. Trạm bơm Vực Giồng được các bên liên quan cho vận hành chạy thử tuân thủ theo TCVN 5639:1991 nguyên tắc cơ bản nghiệm thu thiết bị đã lắp đặt xong và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Qua 2 lần vận hành chạy thử cho thấy công trình hoạt bình thường, đảm bảo công suất theo thiết kế và vận hành an toàn. Vậy nhưng, trên thực tế, không giống như mong đợi của chính quyền và người dân địa phương, kể từ khi Trạm bơm Vực Giồng hoàn thành cho đến nay, công trình này chưa thể đưa vào sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương.
Theo ghi nhận thực tế cho thấy, nhà vận hành trạm bơm đã cũ kỹ, có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống đường ống hút nước dọc ra phía bờ sông đã bị hoen rỉ, xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, nhiều đoạn kênh chạy qua đồng mía, cỏ voi và ngô của khối 3 (xóm 4 cũ) do lâu ngày không sử dụng đã bị bồi lấp, cỏ mọc che kín cả lòng kênh…
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Long Sơn, cho biết, hệ thống kênh mương chạy dọc theo cánh đồng bị bỏ hoang, không sử dụng được, gây lãng phí và cảng trở giao thông nội đồng của người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần có các kiến nghị gửi cấp thẩm quyền, mong muốn Trạm bơm Vực Giồng sớm đưa vào vận hành để tưới lúa và hoa màu cho nhân dân. Tuy nhiên, hầu hết diện tích hoa màu và lúa của dân ở khu vực này đều không có nước tưới, chủ yếu sản xuất nhờ nguồn nước mưa tự nhiên.
Bao giờ mới được vận hành?
Ông Hoàng Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Phủ Quỳ (đơn vị quản lý khai thác), cho biết: “Do công trình chưa được bàn giao nên chưa thể đưa vào hoạt động. Hiện nay, đơn vị đang chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh. Sau khi được bàn giao, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa vào vận hành có hiệu quả, phục vụ người dân”.
Liên quan đến việc dự án không đưa vào sử dụng, gây thiệt hại, lãng phí hàng chục tỷ đồng, không đem lại hiệu quả mà còn gây cản trở giao thông nội đồng, các đơn vị liên quan đã chỉ ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân phường Long Sơn.
Theo đó, nguyên nhân được chỉ ra là do phía điện lực ngừng cấp điện và công tác bàn giao quản lý khai thác sử dụng gặp những khó khăn, bất cập nhất định.
Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và thực tế thi công lắp đặt trạm biến áp sử dụng trạm 160KVA-10(35)/0,4kV phù hợp với cấp điện áp tại thời điểm thiết kế. Tuy nhiên, đến năm 2021, Điện lực huyện Nghĩa Đàn – Thái Hòa đã nâng cấp đường dây vận hành từ 10kV lên 22kV theo hoạch chung, do đó trạm biến áp đã thi công lắp đặt không còn tương thích với cấp điện áp mới, dẫn đến công trình tạm ngừng khai thác hoạt động.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ: Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi (Công ty TNHH MTV Thủy lợi; Các Trung tâm Quản lý Thủy nông; Tổ chức Thủy nông cơ sở) chỉ là đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi, không phải là đơn vị quản lý tài sản hạ tầng kết cấu thủy lợi. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với cấp tỉnh là UBND các huyện và cấp xã (Khoản 3, Điều 3, Nghị định 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017). Do vậy gây khó khăn, bất cập trong công tác bàn giao quản lý, khai thác.
Trên thực tế, đối với Trạm bơm Vực Giồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh Nghệ An về việc giao đơn vị khai thác quản lý tài sản, vận hành công trình nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc chưa có ý kiến phân giao cụ thể.
Theo tìm hiểu, về vấn đề này hiện nay không chỉ địa bàn tỉnh Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành đều vướng mắc trong công tác bàn giao quản lý khai thác tài sản sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng. Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để tháo gỡ tồn tại vướng mắc trong công tác bàn giao khai thác quản lý tài sản. Khi chưa được bàn giao việc thay thế trạm biến áp chưa thể thực hiện vì không có nguồn kinh phí.
Có thể nói rằng, dù với bất cứ lý do nào đi chăng nữa nhưng công trình có nguồn vốn đầu tư lên đến hơn 30 tỷ đồng, đã xây dựng và hoàn thiện gần hàng chục năm trời nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng thì sẽ không chỉ gây ra lãng phí lớn tiền bạc nhà nước mà còn khiến cho sản xuất của người dân gặp khó khăn và gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.