Ngành TN&MT

Tăng cường hợp tác về tài nguyên, môi trường giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

Tống Minh - Minh Hạnh 12/09/2023 - 15:35

Sáng ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc Petr Hladík tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai bên thống nhất mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: nước và vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; xử lý chất thải, kinh tế tuần hoàn.

anh-3.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa (CH) Séc Petr Hladík

Chào mừng Bộ trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa (CH) Séc Petr Hladík cùng phái đoàn tới thăm và làm việc với Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và CH Séc trong hơn 70 năm qua. Đến nay, quan hệ hai nước không ngừng củng cố và phát triển. Hiện nay, hai nước đang tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục, ngoại giao nhân dân và tài nguyên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao quản lý thống nhất về tài nguyên và môi trường trong 9 lĩnh vực. “Các lĩnh vực đều sẵn sàng và có tiềm năng hợp tác với CH Séc, nhất là các lĩnh vực CH Séc có thế mạnh như bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý môi trường, thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản”, Thứ trưởng chia sẻ.

Trân trọng gợi mở của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Petr Hladík bày tỏ mong muốn sẽ sâu sắc hóa, cụ thể hóa hợp tác với Bộ TN&MT Việt Nam dựa trên ưu thế và nhu cầu của mỗi bên. Đối với Cộng hòa Séc, những lĩnh vực mà nước này quan tâm là xử lý nước, xử lý chất thải, kinh tế tuần hoàn và đồng hành trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

anh-2(1).jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao đổi với Bộ trưởng Petr Hladík

Tiếp lời Bộ trưởng Petr Hladík, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn do biến đổi khí hậu. Theo đó, tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu này, về mặt pháp lý, Việt Nam đã đưa nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và ban hành các nghị định, thông tư, Chiến lược quốc gia về ứng phó với Biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050, bao gồm chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Nhấn mạnh đến nội dung này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: “Phát triển năng lương tái tạo là chủ trương chuyển đổi năng lượng lớn của Chính phủ. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy hoạch không gian biển Quốc gia, làm cơ sở để phát triển điện gió ngoài khơi. Cùng với đó, Việt Nam cũng phát triển trung tâm năng lượng mặt trời, bao gồm đề xuất phát triển năng lượng trời ở các khu công nghiệp. Vấn đề môi trường đặt ra là xử lý, tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời sau sử dụng. Đây có thể là hoạt động hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới”.

anh-4.jpg
Các đại biểu tham dự buổi tiếp

Bên cạnh chuyển đổi năng lượng, việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn cũng là một lĩnh vực được chú trọng ở Việt Nam. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý thống nhất về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việt Nam đã đưa vào Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn và hướng tới áp dụng các công nghệ khác nhau để tái chế rác thải sinh hoạt. Hiện Việt Nam đã có các nhà máy đốt rác phát điện, hướng tới các mục tiêu: xử lý rác nhanh, không tốn quỹ đất và cung cấp nguồn năng lượng trực tiếp.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đến tháng 8/2023, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo số 01 của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nội dung Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đưa ra các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đồng thời xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chí, chỉ số để đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với lĩnh vực đó.

Ở lĩnh vực địa chất – khoáng sản, Việt Nam hiện đang sửa đổi Luật Khoáng sản thành Luật Địa chất và Khoáng sản, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2023. Đồng thời, Việt Nam có kế hoạch thực hiện chương trình điều tra cơ bản địa chất quốc gia, dự kiến điều tra từ đất liền đến vùng biển. Thứ trưởng đề nghị CH Séc hỗ trợ Bộ TN&MT trong việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản; xây dựng hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh.

Lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Petr Hladík đánh giá cao những nỗ lực và các kế hoạch, định hướng của Việt Nam trong các vấn đề tài nguyên môi trường. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Môi trường CH Séc bày tỏ sự sẵn lòng hợp tác với Bộ TN&MT. Thời gian tới, hai bên sẽ triển khai các nội dung hợp tác bằng các chương trình, dự án thiết thực, cụ thể./.

Tống Minh - Minh Hạnh