Bến Tre: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
(TN&MT) - Là địa phương có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm tạo ra giá trị tăng thêm cho ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chuyển đổi số toàn diện. PV - Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre xung quanh nội dung này.
PV: Được biết, trong giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, Bến Tre đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ sản xuất hữu cơ trong khu vực và cả nước. Xin ông cho biết cụ thể về nội dung này?
Ông Đoàn Văn Đảnh:
Bến Tre là địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ khá lớn với gần 18.000 ha, chủ yếu là trồng dừa, lúa, rau màu... Trong đó, các sản phẩm chế biến từ dừa đã đuợc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu...; các sản phẩm rau, lúa cũng đã được thị trường trong nước ưa chuộng.
Đến tháng 8/2023, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ của tỉnh Bến Tre đã phát triển với diện tích 17.846 ha, chiếm 22,9% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 11.418 ha, diện tích đang chuyển đổi là 6.428ha. Ngoài ra, còn có gần 700 ha cây ăn trái như: bưởi da xanh, xoài, sầu riêng; 6.275 ha thủy sản đạt chứng nhận GAP và tương đương.
UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Địa phương đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đưa Bến Tre trở thành tỉnh có trình độ sản xuất hữu cơ trong khu vực và cả nước.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 11-13% trên tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt từ 1-2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; phấn đấu đưa diện tích dừa sản xuất hữu cơ giai đoạn 2022-2025 là 20.000 ha, đến năm 2030 đạt 30.000 ha. Diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS giai đoạn 2022- 2025 đạt 50 ha, đến năm 2030 đạt 200 ha.
Để đạt mục tiêu đề ra, địa phương ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ; đồng thời, địa phương ưu tiên chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Tỉnh Bến Tre cũng sẽ hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hữu cơ, cũng như kêu gọi đầu tư vào sản xuất.
PV: Còn đâu là thực trạng và giải pháp trong sản xuất kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Bến Tre, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Đảnh:
Tỉnh Bến Tre có nền sản xuất nông nghiệp rất phong phú và đa dạng với các loại hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được phân bố trên 3 vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ. Tuy vậy, hiện nay phần lớn nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, đa số nông dân còn thiếu vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ nên chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang gặp một số vấn đề như: Nhận thức của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ; chưa tạo ra động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ.
Ngoài ra, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ nên việc thu gom, phân loại phụ, phế phẩm trong nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm; các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn hạn chế về công nghệ tái chế, tái sử dụng cũng như vốn và nhân lực; các mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong nông nghiệp chưa đầy đủ, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát.
Trước thực trạng đó, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ từng bước nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất, từ đó giải quyết mối quan hệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Về giải pháp, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền; triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất, sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất, khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, địa phương cũng sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông sản; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hình thành các chuỗi giá trị nông sản; ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý tất cả phế, phụ phẩm từ hoạt động sơ chế dừa kết hợp với nguồn chất thải trong chăn nuôi của địa phương làm nguồn vật tư đầu vào cho canh tác dừa, cây ăn trái… vừa giảm chi phí đầu tư vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, địa phương sẽ từng bước chuyển dịch các cơ sở sản xuất nông nghiệp đơn lẻ sang các cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại địa phương; tạo liên kết giữa các cơ sở chế biến để tận thu các phụ phế phẩm nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào để ổn định cho sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
PV: Ngành Nông nghiệp Bến Tre cũng đã đặt ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chuyển đổi số toàn diện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đoàn Văn Đảnh:
Hiện nay, Bến Tre đã ứng dụng xử lý số liệu thống kê sản lượng thủy sản khai thác, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá thực hiện giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, ứng dụng kiểm soát tàu cá cập/rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng; đồng thời, đã và đang đầu tư lắp đặt nhiều trạm quan trắc để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất.
Song song đó, tỉnh Bến Tre còn sử dụng phần mềm giám sát, đánh giá và thống kê ngành lâm nghiệp; phần mềm chương trình quản lý dữ liệu rừng ven biển và thử nghiệm phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã. Riêng về lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, địa phương đã ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; quản lý tình hình sinh vật gây hại, cũng như công tác thanh, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật.
Vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cũng đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp tổ chức Hội nghị đối thoại với các cán bộ, công chức, viên chức trẻ về việc đề xuất giải pháp giúp phát triển nông nghiệp của tỉnh Bến Tre bền vững theo hướng chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và khai thác dữ liệu số ngành Nông nghiệp và ứng dụng các phần mềm trong lĩnh vực nông nghiệp, những định hướng và các giải pháp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ của tỉnh Bến Tre được kỳ vọng sẽ là lực lượng chủ chốt trong chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Từ những ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị trên, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng có liên quan nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, lên kế hoạch triển khai các phương án khả thi của ngành Nông nghiệp tỉnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!