Đất đai

Tạo mặt bằng sạch cho các dự án trọng điểm: Lạng Sơn làm tốt công tác dân vận

Hoàng Nghĩa 12/09/2023 - 13:02

(TN&MT) - Là địa phương đang trong quá trình đô thị hoá với nhiều dự án thuộc diện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, những năm qua, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Tăng tốc về đích

Được biết, tháng 10/2020, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18) tỉnh Lạng Sơn (địa phận huyện Cao Lộc) được khởi công, có tổng chiều dài tuyến 7,7km thuộc các xã: Hợp Thành, Gia Cát. Diện tích đất cần thu hồi 36,5ha với hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng.

Thực hiện dự án, UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ xác minh các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Định kỳ vào 14h thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Ban chỉ đạo tổ chức họp xem xét giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

cao-loc-1.jpg
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28) kết nối với Cửa khẩu Co Sâu, xã Cao Lâu, có tổng chiều dài 25,5km.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, UBND xã Gia Cát tuyên truyền, vận động các hộ gia đình phối hợp thống kê, kiểm đếm, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng. Đến nay, đã tổ chức 127 cuộc tuyên truyền, vận động với 765 lượt hộ; hơn 31ha đất đã được bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ để thi công dự án.

Cũng là 1 trong những dự án trọng điểm, tháng 3/2022, Cao Lộc đã triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp đường Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28) kết nối với Cửa khẩu Co Sâu, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Tuyến đường có tổng chiều dài 25,5 km đi qua 4 xã: Hợp Thành, Hòa Cư, Hải Yến, Cao Lâu, trong đó có hơn 24ha đất thuộc diện thu hồi của 849 hộ gia đình.

Tạo quỹ đất sạch cho dự án, Cao Lộc đã thành lập tổ công tác chuyên trách với 10 cán bộ; 4 tổ tuyên truyền, vận động, cung cấp đầy đủ thông tin dự án đến từng hộ bị ảnh hưởng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

Lãnh đạo UBND xã Hòa Cư chia sẻ: Ngay từ đầu năm 2021, khi tỉnh có chủ trương đầu tư tuyến đường, xã đã thông tin công khai về quy mô, thời gian thực hiện, dự kiến phạm vi thu hồi đến các hộ dân. Bên cạnh đó, xã cũng cung cấp cho các thôn những văn bản của Nhà nước áp dụng trong quá trình thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư để người dân quan tâm tra cứu.

Nhờ đó, đến hết tháng 8/2023, Cao Lộc đã hoàn thành 100% công tác thống kê, kiểm đếm; tổ chức 63 cuộc tuyên truyền, đối thoại đến hơn 1.000 lượt hộ gia đình, cá nhân; tiếp nhận, giải đáp 138/138 ý kiến, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng; 790/849 hộ gia đình, cá nhân đã bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Dân vận khéo ắt đồng thuận cao

Luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo, những năm qua, UBND huyện Cao Lộc đã quán triệt các cơ quan, đơn vị chuyên môn nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành việc thu hồi đất, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhân dân hiểu được các quy định, hạn chế phát sinh đơn thư, khiếu nại.

cap-loc.jpg
Huyện Cao Lộc - Lạng Sơn nhìn từ trên cao

Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn thường xuyên sâu sát với cơ sở, nắm vững mục tiêu, ý nghĩa, tiến độ thực hiện từng dự án, quan tâm đến đời sống của các hộ gia đình bị thu hồi đất để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, Cao Lộc luôn thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch, cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tất cả các dự án ngay từ đầu.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thống kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát việc thực hiện các quy trình trong tiếp dân, lập hồ sơ thu hồi đất, đảm bảo phương án bồi thường, hỗ trợ được lập theo đúng quy định. Nhờ đó, phần lớn các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng đều đồng thuận cao trong quá trình bàn giao mặt bằng thi công dự án; không phát sinh điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn.

Thời gian tới, Cao Lộc sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, với phương châm kiên trì, liên tục và xuyên suốt; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao của người dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo các cấp về công tác bồi thường, GPMB. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện GPMB.

Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, GPMB; xây dựng giá đất cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hình thức tuyên truyền, đối thoại linh hoạt theo từng địa bàn, từng đối tượng, như: Lồng ghép trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, hội nghị tại khu dân cư, tại nhà riêng hộ gia đình, tại nhà văn hóa… Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các thông tin liên quan đến dự án sắp triển khai.

Hoàng Nghĩa