Môi trường

Hải Dương: Quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường đảm bảo phát triển bền vững

Trung Dũng (thực hiện) 12/09/2023 - 13:01

(TN&MT) - Quá trình đô thị hóa tạo sức ép lớn về nhu cầu tài nguyên và xử lý ô nhiễm môi trường cho nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương.

Chủ động dự báo tình hình, bám sát thực tiễn phát triển, Sở TN&MT Hải Dương đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên - môi trường, đóng góp quan trọng cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

anh-2-ong-do-tien-dung-pho-giam-doc-so-tn-mt-hai-duong.jpg
Ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

Để hiểu rõ hơn về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong giai đoạn vừa qua, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Đỗ Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

PV: Đảm nhiệm quản lý nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường... Sở TN&MT Hải Dương đã có những hoạt động nổi bật nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Dũng: Để góp phần thúc đẩy khai thác tài nguyên làm động lực cho phát triển, đồng thời hướng đến xây dựng môi trường sống trong lành, bền vững cho cộng đồng dân cư, Sở TN&MT đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND hoàn thiện, đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Với phương châm hướng về cơ sở, người dân, doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, Sở đã tăng cường tham mưu phân cấp cho địa phương hoàn thiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp…

Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện nhiều đề án quan trọng, nhằm đưa việc quản lý môi trường vào nền nếp, như Đề án Xử lý chất thải rắn; Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương…

Với việc chuyển đổi tư duy bảo vệ môi trường từ bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, từ năm 2021, Sở TN&MT đã rà soát, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Danh mục tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm; triển khai giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê theo quy định.

Là một trong những lĩnh vực chính, quan trọng của ngành, công tác quản lý đất đai được Sở đặc biệt coi trọng. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, hiện nay, Sở đang chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.

Đáng chú ý, từ ngày 1/6/2022, Hải Dương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý bản đồ địa chính trên hệ thống phần mềm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai (ELIS) trên toàn tỉnh. Dữ liệu được cập nhật, quản lý, lưu trữ kể từ ngày 1/6/2022 và được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo trục LGSP của Bộ TN&MT…

tp-hai-duong.jpg
Thành phố Hải Dương nhìn từ trên cao

Trong lĩnh vực khoáng sản, Sở đã Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 238/QĐ-UBND, ngày 16/01/2019 “Về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Qua đó, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã từng bước được quản lý, việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản ngày một tốt hơn. Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đã thực hiện theo giấy phép được cấp và theo các dự án được duyệt; sử dụng khoáng sản đã cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh...

Bằng những nỗ lực cao nhất trong công tác chỉ đạo và thực hiện, Sở TN&MT đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên - môi trường, đóng góp quan trọng cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

PV: Được biết, UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai Đề án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025. Đề án thành công giúp cho môi trường từ đô thị đến nông thôn khang trang, nền nếp hơn. Đến nay, việc triển khai đề án đã có kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Dũng: Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án, ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đồng thời, Sở TN&MT cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện ủ mùn hữu cơ sau khi phân loại; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh tuyên truyền thực hiện Đề án.

Đến nay, việc phân loại chất thải tại nguồn đã được triển khai rộng rãi tại một số địa phương (Nam Sách, Kim Thành, Thanh Miện, Tứ Kỳ,…) và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tỷ lệ chất thải phải xử lý tại các nhà máy (hoặc đem chôn lấp) sau khi phân loại giảm rõ rệt, nhân dân đã bước đầu có ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, ủ mùn compost tại nhà và sử dụng mùn compost vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hướng dẫn thêm 2 xã (1 xã tại huyện Thanh Hà và 1 xã tại huyện Cẩm Giàng) thực hiện mô hình thí điểm phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Về thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thu hút đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện có công suất từ 700 - 1000 tấn/ngày đêm (bao gồm rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp).

PV: Để quản lý tốt nguồn tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở đã triển khai những giải pháp trọng tâm nào thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Dũng: Có được kết quả như ngày hôm nay là do Sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất góp ý sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp hoặc có mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật, đề xuất ban hành các quy định mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh.

Bên cạnh đó, Sở tập trung kiểm soát chặt chẽ chất thải, các nguồn thải trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường; tập trung thực hiện phương án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở có nguồn thải lớn thông qua giám sát số liệu quan trắc môi trường tự động của các cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Sở cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Khoáng sản,... và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó đã nâng cao nhận thức về công tác tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cộng đồng và người dân...

PV: Thời gian tới, ngành TN&MT Hải Dương đã định hướng như thế nào để góp phần tích cực vào việc khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?

Ông Đỗ Tiến Dũng:

Thời gian tới, Hải Dương định hướng phát triển theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó BĐKH thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Do đó, Sở TN&MT sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động về xử lý chất thải... theo nhiều hình thức nhằm tăng cường xã hội hóa về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác, kết nối các nguồn tài trợ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo cơ chế song phương, đa phương, để nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu. Ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Dũng (thực hiện)