Bạn đọc - Pháp luật

Hà Trung (Thanh Hóa): Nhiều sai phạm tại mỏ đá HTX Đông Đình

Mai Trúc 11/09/2023 - 23:21

Hoạt động khai thác, chế biến đá của Hợp tác xã Công nghiệp Đông Đình tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã bộc lộ nhiều bất cập về quy trình khai thác, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng về khai thác khoáng sản vượt mốc giới lên tới hàng nghìn mét vuông.

Ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép số 122/GP-UBND cho Hợp tác xã Công nghiệp Đông Đình (HTX Đông Đình) được khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đá ốp lát tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Diện tích mỏ 24.177m2, công suất 30.000m3/năm, mức sâu khai thác cos +20m, thời gian khai thác là 20 năm 6 tháng.

anh-1.jpg
Khu vực mỏ đá của HTX Đông Đình

Trong Giấy phép khai thác, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu HTX Đông Đình tiến hành hoạt động khai thác mỏ theo đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất quy định. Thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Quản lý, sử dụng các sản phẩm, khai thác, chế biến theo đúng quy định của pháp luật.Trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn công trình mỏ, an toàn lao động, …

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản đến nay của HTX Đông Đình tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung đã để xảy ra hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng, không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa và pháp luật hiện hành, nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt.

anh-2.jpg
Hoạt động chế biến đá chưa đảm bảo công tác môi trường

Điển hình như vào năm 2019, HTX Đông Đình đã từng bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản do thực hiện khai thác không đúng phương pháp, không đúng trình tự trong thiết kế mỏ được duyệt. Tại Quyết định số 1110/QĐ-XPVPHC ngày 29/3/2019, HTX Đông Đình bị xử phạt với số tiền 60 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác trong 6 tháng. Buộc đơn vị phải khai thác đúng phương pháp, đúng trình tự, khẩn trương xử lý các vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc các moong khai thác theo đúng thiết kế.

anh-2a.jpg
Khu vực chế biến, sản xuất đá

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay một phần diện tích khai trường của HTX Đông Đình có dấu hiệu nằm ngoài diện tích được thuê. Khu vực sản xuất và chế biến đá của đơn vị có mặt bằng sản xuất chưa gọn gàng, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp chưa sạch sẽ. Hệ thống bể lắng, các hố thu gom xử lý chất thải còn sơ sài, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật dẫn đến hiện tượng phát tán bột đá, nước thải chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đáng nói hơn, tại tuyến đường đi vào mỏ đá của HTX Đông Đình, mặc dù chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ thuê đất, song đơn vị đã tự ý lấn chiếm, tập kết đá VLXD cùng hàng nghìn khối đá xẻ nằm rải rác, chất đầy 2 bên đường.

anh-3.jpg
Hàng trăm khối đá tập được kết trái phép tại tuyến đường vào mỏ

Mặt khác, hiện nay tại khu vực điểm mỏ của HTX Đông Đình nhiều vị trí nham nhở, đá trượt sạt, khai thác không đúng thiết kế, tạo vách cao, dựng đứng. Nghiêm trọng hơn, đơn vị đã bất chấp các quy định của pháp luật, ngang nhiên khai thác khoáng sản ra ngoài mốc giới được phép lên tới hàng nghìn mét vuông.

Ông Trương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: Những vi phạm trong khai thác khoáng sản của HTX Đông Đình, UBND huyện Hà Trung đã kiểm tra xử phạt hành chính.

anh-4.jpg
HTX Đông Đình nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản

Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vượt mốc giới, vượt trữ lượng, công suất đang là một trong những vấn đề “nóng” và phức tạp, được dư luận đặc biệt quan tâm tại Thanh Hóa. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, bị tước giấy phép khai thác, thậm chí đến mức phải khởi tố hình sự, song những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Thanh Hóa vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, những vi phạm sau còn có mức độ nghiêm trọng hơn vi phạm trước, có dấu hiệu kéo dài, một số địa phương vẫn còn tình trạng xử phạt theo hình thức “giơ cao đánh khẽ”, “hợp thức hóa sai phạm” khiến việc xử phạt không có tính răn đe?.

UBND tỉnh Thanh Hóa cần có những biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị tái vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Mai Trúc