Xã hội

Cấm thuốc lá điện tử: Chính sách quản lý còn chưa thống nhất

Lan Chi 10/09/2023 - 18:05

(TN&MT) - Những năm gần đây, mặc dù tỉ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm nhưng tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam và các nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm hoàn toàn hoặc đang xem xét việc cấm thuốc lá điện tử dùng một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, điển hình là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Nhiều nước đã cấm hoặc xem xét cấm thuốc lá điện tử

Được biết, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Trên thế giới, một số nước châu Âu cũng đang xem xét việc cấm thuốc lá điện tử dùng một lần. Bán trực tuyến thuốc lá điện tử dùng một lần bị cấm ở Bỉ và một cuộc tham vấn quốc gia về lệnh cấm đang được tiến hành ở Ireland. Ở Đức, chính phủ đã cấm thuốc lá điện tử có hương vị và cảnh báo đây có thể chỉ mới là bước khởi đầu.

Australia cũng đã triển khai các biện pháp cứng rắn nhất khi cấm sử dụng thuốc lá điện tử dùng một lần, dừng nhập khẩu loại không kê đơn, hạn chế hàm lượng nicotin trong thuốc lá điện tử và hạn chế hương vị. Thuốc lá điện tử giờ chỉ được bán trong các nhà thuốc với bao bì dạng dược phẩm.

Ở New Zealand, các bước tương tự đã được thực hiện với lệnh cấm hầu hết các loại thuốc lá điện tử dùng một lần và hạn chế tiếp thị cho trẻ em, bao gồm cấm các cửa hàng thuốc lá điện tử đặt gần trường học và ban hành các quy tắc yêu cầu mô tả hương vị chung. Các quy định có hiệu lực từ tháng 8 năm nay, được thiết kế phù hợp để việc bán thuốc lá dùng một lần cho những người sử dụng chúng để chuyển sang bỏ thuốc lá vẫn được tiếp tục.

hoc-sinh-hut-thuoc-la-dien-tu-1tr-168164592726648890655.jpg
Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử

Nghiên cứu của Ireland cho thấy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc cao gấp 5 lần so với những người không sử dụng. Theo dữ liệu công bố năm 2022, tỷ lệ hút thuốc ở New Zealand đã giảm xuống 8% - một trong những mức thấp nhất thế giới - nhưng mức tăng số người sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày vẫn cao hơn mức giảm số người hút thuốc hàng ngày. Số học sinh lớp 10 (khoảng 14 tuổi) ở New Zealand hút thuốc lá điện tử hàng ngày đã tăng gấp 3 lần, từ 3,1% năm 2019 lên 9,6% vào năm 2021.

Đáng chú ý, mới đây, theo tờ The Guardian của Anh, chính phủ Pháp có thể sẽ ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử dùng một lần trước cuối năm nay. Lệnh cấm này khi được ban hành sẽ nối tiếp các biện pháp tương tự đã được triển khai ở Đức, Australia và New Zealand trong bối cảnh những lo ngại về ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe con người ngày càng tăng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết thuốc lá điện tử dùng một lần sẽ bị cấm ở Pháp như một phần trong kế hoạch chống hút thuốc quốc gia. Theo bà, chính phủ Pháp sẽ sớm đưa ra một kế hoạch quốc gia mới để đấu tranh chống lại việc hút thuốc, đặc biệt là cấm thuốc lá điện tử dùng một lần - loại thuốc lá nổi tiếng gây ra thói quen xấu cho giới trẻ và có thể dẫn đến nghiện thuốc lá.

Cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp “mạnh tay” để cấm thuốc lá điện tử, nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là vấn đề nan giải bởi có nhiều ý kiến khác nhau về việc có cho phép lưu hành thuốc lá điện tử hay không. Đại diện Bộ Y tế thì yêu cầu cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử do các sản phẩm này chứa rất nhiều chất độc hại, hiện đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỉ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới. Bộ Công Thương thì đang nghiên cứu, đánh giá kỹ các bằng chứng khoa học liên quan đến sự an toàn của dung dịch thuốc lá điện tử.

Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hiện nay Nhà nước chưa có chính sách quản lý cụ thể nhằm kiểm soát, hạn chế, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và thất thu thuế, nên việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quản lý sản phẩm này là cần thiết. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét xây dựng quy định quản lý, chính sách thí điểm đối với các loại thuốc lá điện tử để làm căn cứ hoàn thiện văn bản pháp luật quản lý thuốc lá điện tử tại Việt Nam.

t5_31_04_1620238.jpeg
Thanh niên chạy marathon hưởng ứng chiến dịch nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử

Trong khi các cơ quan chức năng chưa thống nhất về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, sản phẩm này đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: thất thu thuế, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát về thành phần, chất lượng dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe…; không cho phép lưu hành thì sản phẩm vẫn cứ tràn lan trên thị trường, và càng chậm quản lý, càng tạo điều kiện cho nguồn hàng buôn lậu, bất hợp pháp với giá thành hoặc rất cao, hoặc rẻ mạt, từ đó tồn tại nhiều rủi ro, nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.

Theo các kết quả khảo sát từ năm 2017 đến nay, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử từ 11,7% tăng lên hơn 27% ở học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các chuyên gia y tế cho rằng để ngăn chặn sản phẩm thuốc lá điện tử tiếp cận với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cần giảm tiếp cận của giới trẻ đối với các sản phẩm này, cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông về tác hại và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thuốc lá điện tử.

Hơn nữa, đặc tính của sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này. Khi Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012, lúc này thuốc lá điện tử chưa xuất hiện, vì vậy quy định pháp luật về sản phẩm thuốc lá này chưa có đầy đủ. Hiện luật chưa điều chỉnh và theo quy định hiện hành các sản phẩm thuốc lá này chưa được phép sản xuất kinh doanh và nhập khẩu vào Việt Nam. Những sản phẩm này được xếp vào nhóm thuốc lá lậu, buôn lậu. Nếu các sản phẩm này bán trên thị trường là vi phạm các quy định về phòng, chống buôn lậu, nếu trộn thêm các loại ma túy là vi phạm Luật Phòng, chống ma túy.

thuoc-la-dien-tu-1595477429743497617638-34-0-534-800-crop-15954774567362083443166.jpg
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotin

Do vậy, các chuyên gia đề xuất nhóm giải pháp về sửa luật và các Nghị định của Chính phủ quy định về thuốc lá, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động và cấm sản phẩm này.

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trước khi luật hóa các quy định liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, để hạn chế tối đa tác hại của nó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách đẩy mạnh truyền thông về tác hại và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong học đường; đưa mặt hàng này trong diện hàng cấm, hàng lậu để kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

So với năm 2015, tỉ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỉ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động: trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Cụ thể, theo Điều tra năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.

Lan Chi