Liên hợp quốc: Thế giới vẫn đang đi chệch hướng trong nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên của hành tinh
(TN&MT) - Theo một đánh giá chi tiết của Liên hợp quốc vừa được công bố, Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt năm 2015 đã thúc đẩy hành động về khí hậu trên toàn cầu, nhưng thế giới vẫn đang đi chệch hướng một cách đáng tiếc trong nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên của hành tinh.
Cơ hội cắt giảm khí thải đang thu hẹp
Theo những phát hiện được công bố bởi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thế giới có cơ hội cắt giảm nhanh hơn lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và tránh một loạt thảm họa ngày càng tồi tệ có thể xảy ra như bầu khí quyển ngày càng nóng hơn, nhưng cơ hội này đang thu hẹp nhanh chóng.
Liên hợp quốc vừa ghi nhận mùa hè 2023 là mùa hè nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao hơn hẳn kỷ lục trước đó và hậu quả của nó là chết chóc, sự hủy diệt và đau khổ. Từ những đợt nắng nóng lịch sử tại nhiều nơi trên thế giới, đến cháy rừng kỷ lục ở Canada và Châu Âu, cho đến lũ lụt do mưa lớn gây ra ở những nơi như Hy Lạp, Trung Quốc và Florida (Mỹ).
Lượng khí thải toàn cầu một lần nữa đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và lượng khí carbon dioxide trong khí quyển đã tăng lên mức chưa từng thấy trong hàng triệu năm. Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm Trái đất nóng thêm khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và con người đang làm tăng ô nhiễm carbon vào khí quyển nhanh đến mức thế giới có thể cạn kiệt “ngân sách carbon” còn lại chỉ sau một vài năm.
Trước thực tế trên, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu thúc giục các quốc gia trên thế giới “tham vọng lớn hơn và tăng cường hành động”. Ông kêu gọi các chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng những phát hiện trong báo cáo của Liên hợp quốc và hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với họ cũng như hành động đầy tham vọng mà họ phải thực hiện tiếp theo. Điều này cũng tương tự đối với các doanh nghiệp, cộng đồng và các bên liên quan quan trọng khác.
Ông David Waskow, Giám đốc Sáng kiến Khí hậu Quốc tế tại Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho biết báo cáo tóm tắt 17 phát hiện chính từ các cuộc thảo luận kỹ thuật vào năm 2022 và 2023 về tình hình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu dài hạn của nó, dựa trên thông tin khoa học tốt nhất. Những phát hiện này liên quan đến các chủ đề như thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường tài trợ để giúp các quốc gia nghèo bỏ qua nhiên liệu hóa thạch khi họ phát triển và hành động khẩn trương hơn để cắt giảm khí thải và đưa ra lộ trình chi tiết cho loại hình chuyển đổi cần thiết trong những năm tới.
Truyền cảm hứng cho hành động quyết liệt
Theo báo cáo, trong tất cả các lĩnh vực, từ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến giải quyết mất mát và thiệt hại, cần phải triển khai nhiều công việc hơn nữa. UNFCCC cho biết: “Mặc dù có những khoảng trống đã được biết rõ, nhưng những phát hiện kỹ thuật đã nêu bật các cơ hội hiện có cũng như những giải pháp sáng tạo để thu hẹp những khoảng trống này”.
Báo cáo đề cập đến các đề xuất nhằm đẩy nhanh việc thực hiện, hành động và hỗ trợ trong tất cả các lĩnh vực. Báo cáo này được đưa ra trước bản “kiểm kê toàn cầu” tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối năm nay. Tại buổi kiểm kê, các đại biểu sẽ đánh giá xem liệu họ có đạt được tiến bộ chung trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu hay không và xác định rõ khu vực nào không đạt được mục tiêu.
Ông Farhan Akhtar, một trong những người điều phối các cuộc thảo luận kỹ thuật đã nhấn mạnh sự tham gia rộng rãi của các chính phủ, chuyên gia và các bên liên quan quan trọng khác. “Các cuộc thảo luận cho thấy Thỏa thuận Paris đã truyền cảm hứng cho hành động rộng khắp, làm giảm đáng kể các dự báo về sự nóng lên trong tương lai. Việc kiểm kê toàn cầu này diễn ra vào thời điểm quan trọng để truyền cảm hứng thúc đẩy hành động toàn cầu hơn nữa trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu”.
Trong khi đó, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber nhận định thế giới đang chậm chân trong cuộc đua đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó, lượng khí thải phải giảm 43% vào năm 2030. Đó là lý do tại sao Chủ tịch COP28 đã đưa ra một chương trình hành động đầy tham vọng tập trung vào việc theo dõi nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và được quản lý tốt để không ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết vấn đề tài chính khí hậu, tập trung vào cuộc sống và sinh kế của người dân...
“Chúng ta có thể thực hiện tất cả những điều này, đồng thời tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho người dân của mình, nhưng chúng ta phải đoàn kết hơn bao giờ hết để chuyển từ tham vọng sang hành động và từ “lời nói suông” sang kết quả thực tế”, Chủ tịch COP28 tin tưởng.
Bà Marcene Mitchell, Phó Chủ tịch cấp cao về biến đổi khí hậu của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới đánh giá báo cáo của Liên hợp quốc là một lời nhắc nhở các nhà lãnh đạo phải tìm cách tiến nhanh hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ở một khía cạnh nào đó, đánh giá của Liên hợp quốc chỉ đánh dấu chương mới nhất trong một bản tóm tắt các nghiên cứu và chỉ ra nhiều cách mà thế giới đã không thể đối mặt thỏa đáng với những nguy cơ của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, đánh giá đã tập trung vào các hành động mang tính biến đổi và trên diện rộng có thể giúp tránh những hậu quả tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu, bao gồm: tăng cường năng lượng tái tạo, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, chấm dứt nạn phá rừng, tăng cường tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển và tạo thay đổi để góp phần giảm nghèo và giảm bất công về môi trường.