Nguyễn Nga (Thực hiện) 09/09/2023 - 15:16
trang.jpg

Ngày 12/9/2003, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La được thành lập theo Quyết định số 145/2003/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Khi mới thành lập, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La có 7 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 72 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tại cấp huyện, mới có phòng nông nghiệp - địa chính, chưa thành lập phòng Tài nguyên và Môi trường; cấp xã có cán bộ phụ trách công tác địa chính, địa chính - xây dựng, địa chính - lâm nghiệp; chưa thống nhất bộ máy làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường giữa tỉnh, huyện, xã trên toàn tỉnh.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, tổ chức, bộ máy của ngành Tài nguyên và Môi trường Sơn La không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Những dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La:

1
Năm 2006

Thành lập Phòng Đất đai; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; Trung tâm Phát triển Quỹ đất.

2
Năm 2009

Thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường; Phòng Tài chính – kế hoạch – tổng hợp.

3
Năm 2011

Thành lập Phòng Định giá đất.

4
Năm 2015
Thành lập Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Chi cục Quản lý đất đai.

5
Năm 2016

Thành lập Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp, thống nhất nhiệm vụ về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất; xây dựng, quản lý và cập nhật hồ sơ địa chính trên địa bàn.

6
Từ năm 2018 đến nay

Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức bộ máy Sở TN&MT được rà soát, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Bộ Chính trị gồm 6 phòng chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Cùng với sự lớn mạnh của Sở Tài nguyên và Môi trường, hệ thống Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện được thành lập, đi vào hoạt động nề nếp tại 12/12 huyện, thành phố.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý địa chính, TN&MT cấp xã cũng được kiện toàn, với hơn 300 cán bộ, thường xuyên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác tham mưu, quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành tài nguyên – môi trường

ong-phung-kim-son(1).jpg
Ông Phùng Kim Sơn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La

Động lực vì Sơn La
xanh – nhanh – bền vững

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp của các ngành, địa phương, và quyết tâm vượt khó, lòng yêu nghề, sự hăng say cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của ngành tài nguyên – môi trường trong công cuộc đổi mới, hội nhập, đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Sơn La phát triển xanh – nhanh – bền vững.

a3.jpg
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh các chủ trương, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa X, XI, XII, XIII, XIV đã đề ra.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2010-2020; lập phương án phân bổ đất đai tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3.jpg
Công tác quản lý nhà nước về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực.

Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo từng thời kỳ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đất đai các dự án trọng tâm, trọng điểm và tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp. Cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính 100% xã, phường, thị trấn; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai tại 6/12 huyện, thành phố và các huyện còn lại đã bảo đảm kết nối liên thông, phục vụ yêu cầu quản lý, khai thác, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

trang-2(3).jpg
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được triển khai đồng bộ, xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép, nâng hiệu quả bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được rà soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch; đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn. Từ năm 2003 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cấp 184 giấy phép khai thác khoáng sản; 95 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; 22 quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.

Đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thông qua hệ thống quan trắc tự động liên tục, camera giám sát. Công tác thu hút đầu tư được thực hiện trên quan điểm sàng lọc, lựa chọn đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường ngay từ đầu. Kiên quyết không trình, cấp chủ trương đầu tư các dự án, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm.

4.jpg
Năm 2021, tỉnh Sơn La đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn. Nâng cao chỉ số thu gom và xử lý rác thải gắn với xây dựng các mô hình về quản lý, bảo vệ môi trường, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể hướng tới mục tiêu “Mỗi cụm dân cư là một mô hình quản lý môi trường an toàn và bền vững”.

Lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu được quan tâm, chỉ đạo. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước. Lồng ghép vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng. Thiết lập các kênh thông tin (đường dây nóng, thư điện tử, hệ thống hỏi đáp)... để kịp thời lắng nghe, xử lý những ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý tài nguyên, môi trường.

7.jpg
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên, môi trường được quan tâm triển khai.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng về bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

canon-eos-600d-5184x3456_000153(1).jpg
Ông Bạch Trường Sơn - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh

Nêu
cao tinh thần thần phục vụ nhân dân

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 1 cấp từ ngày 1/5/2016, tổ chức bộ máy cán bộ gồm 3 phòng chuyên môn, 12 Chi nhánh Văn phòng tại 12 huyện, thành phố với gần 150 công chức, viên chức và người lao động hợp đồng; có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân.

6.jpg
Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Sơn La luôn nỗ lực đẩy mạnh CCHC, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân.

Là đơn vị sự nghiệp thực hiện thủ tục về đăng ký đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai Sơn La luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động có kiến thức chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc được giao, năng động trong xử lý tình huống. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân về thái độ và mức độ hướng dẫn của đội ngũ cán bộ để kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót.

Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký đất đai, nỗ lực hoàn thành trước và đúng hạn 100% đối với hồ sơ của tổ chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động rà soát, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, phân quyền để quản lý ngay từ đầu công tác cập nhật dữ liệu địa chính, tiến tới xây dựng dữ liệu điện tử cho toàn ngành.

Đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc. Tại 12/12 huyện, thành phố đã vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên các phần mềm VBDLis, VILIS; đảm bảo luân chuyển hồ sơ từ Chi nhánh lên Văn phòng tỉnh qua phần mềm đạt 100%, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện TTHC.

Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, giao tiếp cởi mở, hòa nhã, ân cần, khiêm tốn, đúng mực với nhân dân. Không cửa quyền, hách dịch, hạch sách, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ, đề cao tinh thần Chính quyền phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

anh-ong-hung-quan-trac.jpg
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường

Kiểm
soát ô nhiễm môi trường, vì sức khỏe nhân dân

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, tiền thân là Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La, được thành lập ngày 5/7/2007, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trung tâm hoạt động trên lĩnh vực quan trắc môi trường, đánh giá chất lượng môi trường và thực hiện các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để thực hiện công tác phản biện, giám sát xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án có nội dung hoạt động liên quan đến các yếu tố môi trường cần bảo vệ và phát triển bền vững.

5.jpg
Các chỉ số quan trắc đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm.

Hơn 15 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều khó khăn, thách thức về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, nguồn nhân lực nhưng đồng thời cũng là cơ hội và thuận lợi để phát triển. Trung tâm đã từng bước kiện toàn tổ chức cán bộ, đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình quan trắc chất lượng môi trường tỉnh hàng năm; tư vấn, thực hiện các dịch vụ công về chính sách, công nghệ, đầu tư, thẩm định, nghiên cứu truyền thông và cung ứng các sản phẩm về môi trường.

Tham gia cùng các đoàn thanh, kiểm tra của tỉnh khi được giao nhiệm vụ; thực hiện trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư phản biện, giám sát xã hội với các chương trình, dự án, đề án có nội dung hoạt động liên quan đến yếu tố môi trường cần bảo vệ và phát triển bền vững.

Các chỉ số quan trắc đã góp phần giúp cho công tác quản lý nhà nước cảnh báo sớm các hiện tượng ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và các tác động xấu đối với môi trường; là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý nhưng chưa đạt chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và môi trường đất.

Chung sức đồng lòng, hăng say thực hiện nhiệm vụ

Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những khó khăn, thách thức không nhỏ, song ngành Tài nguyên và Môi trường Sơn La không ngừng lớn mạnh, vươn lên vượt qua thách thức. Đó là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự nỗ lực, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.

Đặc biệt, là lòng yêu mến, hăng say với nghề của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đã có ý thức tự xây dựng bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, chủ động sáng tạo, không ngừng tự rèn luyện, học tập để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị, vận dụng vào thực tiễn công tác, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

trang-8.jpg
20 năm xây dựng và phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La luôn nỗ lực hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những kết quả đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành ghi nhận và tôn vinh; nhiều năm được UBND tỉnh xếp loại “Hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Cờ thi đua, tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân; năm 2013 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phát huy truyền thống 20 năm vượt khó vươn lên, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tài nguyên và Môi trường Sơn La sẽ tiếp tục vững bước tự tin vào tương lai phía trước; quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, thực hiện thắng lợi chủ đề trọng tâm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra cho toàn ngành năm 2023.

Đó là “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả”, đặc biệt là phương châm hành động của Chính phủ và UBND tỉnh "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực từ tài nguyên và môi trường kiến tạo cho tương lai bền vững.

anh-cuoi.jpg
Góp phần quan trọng phát huy các nguồn lực tài nguyên, môi trường vì một Sơn La phát triển xanh - nhanh - bền vững.

Nguyễn Nga (Thực hiện)