Ngành TN&MT

Đóng góp lớn, tạo động lực để Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững

Tuyết Chinh - Khải Minh - Tuyết Chinh (lược ghi) 07/09/2023 - 10:35

(TN&MT) - Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua không ít khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, Sở TN&MT Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng tổ chức, triển khai công tác của ngành TN&MT, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Ngày 17/9/2003, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1865/QĐ-UB thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, đo đạc - bản đồ của Sở Địa chính với các tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý về các lĩnh vực: khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước thuộc Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Khi mới thành lập, Sở TN&MT gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu thốn về cơ sở vật chất, cán bộ thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Qua quá trình hoạt động, tổ chức bộ máy của Sở được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Sở TN&MT có 5 phòng, 1 Chi cục và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 345 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (tăng 3 lần so với năm 2003).

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội

Ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình cho biết, một trong những thành tựu nổi bật trong chặng đường 20 năm qua của ngành là công tác quy hoạch đất đai. Giai đoạn 2010 - 2020, Sở tham mưu xây dựng Quy hoạch sử dụng đất đồng bộ 3 cấp để định hướng cho nhu cầu sử dụng đất tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên. Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2016 - 2020. Hiện, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được hoàn thiện trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với những thành tích đã đạt được, những năm qua, Sở TN&MT Ninh Bình đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2003 tặng cho tập thể và 1 Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân đồng chí Tô Văn Động - nguyên Giám đốc Sở; nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều tập thể, cá nhân được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở TN&MT Ninh Bình vì những thành tích xuất sắc trong quá trình 10 năm xây dựng trưởng thành và phát triển.

8a.jpg
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng đã tạo nên diện mạo mới của Ninh Bình

Từ năm 2003 đến nay, Sở TN&MT đã thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.159 dự án với tổng diện tích 3.909,63ha. Qua đó, góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp với hàng trăm dự án được triển khai, nhiều dự án đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác xây dựng bảng giá đất được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất. Thông qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất những năm qua đã thu hàng chục nghìn tỷ đồng để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được đảm bảo, kịp thời. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được tháo gỡ. Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất ngày càng được tăng cường. Đến nay, nhiều đối tượng sử dụng đất có tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận đạt hơn 95% như: đất an ninh, đất quốc phòng, đất tôn giáo, đất ở, đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... Từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (ngày 01/4/2017) đến nay, đã cấp 6.289 GCNQSDĐ cho tổ chức; 216.640 GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Hùng Thắng, thời gian qua, Sở đã khảo sát, đánh giá đất đai làm cơ sở xây dựng và thực thi nhiều chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai đúng hướng đã mang lại thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đất đai ngày càng thực sự trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Các dự án cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhiều công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm được xây dựng… đã tạo nên diện mạo mới của vùng đất Cố đô.

Xây dựng “Cố đô” phát triển toàn diện, bền vững

Trước năm 2003, vấn đề ô nhiễm môi trường chung của tỉnh khá nghiêm trọng do khói, bụi của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, việc nung đốt gạch, vôi thủ công trong khu dân cư, rác thải y tế chưa được xử lý triệt để. Chủ động, kịp thời hành động trước những thách thức đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều nhiệm vụ, chương trình, dự án bảo vệ môi trường mang tầm nhìn dài hạn và ngắn hạn. Cùng với việc ban hành Quy hoạch Môi trường tỉnh Ninh Bình được ban hành và qua 12 năm thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, 8 năm triển khai Đề án Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đến nay, chất lượng môi trường tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm khói bụi đã được khắc phục hoàn toàn.

Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã thẩm định và phê duyệt được 374 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 48 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 57 Kế hoạch bảo vệ môi trường, thẩm định 67 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 22 tỷ đồng, xác nhận 36 đơn vị hoàn thành các công trình BVMT, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường đối với 22 đơn vị.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 47 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh và truyền dữ liệu 24/24 giờ về Sở Tài nguyên và Môi trường, đạt tỷ lệ 86,36%; 4/5 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đạt tỷ lệ 80%; 8/15 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 53,33%. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư, xây dựng hệ thống lò đốt rác thải y tế theo quy định, 92,5% rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp được thu gom, xử lý, 83,5% các đơn vị cấp xã đã hình thành mô hình Tổ thu gom rác thải nông thôn.

Có thể nói, công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, từng bước chuyển từ tư duy bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường. Sở đã thực hiện tốt công tác kiểm soát, hạn chế có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống… Kết quả là các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt yêu cầu, có sự cải thiện dần qua từng năm. Đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Sở tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh như: khoanh vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tích cực tham mưu công tác quy hoạch, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản. Từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý có hiệu quả, thu hút các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào lĩnh vực hoạt động khoáng sản, phát triển bền vững.

Đặc biệt, trước những thách thức và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, Sở TN&MT đã có những tiên phong, nỗ lực, xây dựng, tham mưu và triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu tỉnh Ninh Bình” phục vụ nhu cầu khai thác thông tin và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Công tác quản lý tổng hợp biển, đảo được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện với phương châm chủ động trong công tác tham mưu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hoạt động khí tượng thủy văn, dịch vụ khí hậu của ngành khí tượng thủy văn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động kinh tế - xã hội, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được nâng lên.

Nhìn lại 20 năm trưởng thành và phát triển, những thành tựu của ngành TN&MT đạt được là rất to lớn và đáng tự hào. 20 năm đã đi qua sẽ mở ra một chặng đường mới với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự đồng sức, đồng lòng, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT Ninh Bình tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ, trau đồi trí tuệ, đạo đức để chung tay, góp sức xây dựng ngành TN&MT Ninh Bình trong sạch, phát triển bền vững, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần cho mục tiêu phát triển “nhanh, toàn diện, bền vững” của tỉnh Ninh Bình.

ÔNG NGUYỄN CAO SƠN - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NINH BÌNH:

Không ngừng chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

8caoson.jpg

Bám sát định hướng, phát triển hài hòa, bền vững, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường góp phần vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, Ninh Bình ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án thuộc ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm; hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững, trong đó công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và gắn với giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Với các đột phá phát triển chính là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu… do đó, công tác quản lý về tài nguyên và môi trường được xác định là cốt lõi, trụ cột.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ninh Bình phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bám sát quan điểm phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Trong đó, ưu tiên trước hết là triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và các quy hoạch phân khu, chi tiết hoạch định, kiến tạo động lực và không gian phát triển mới. Đồng thời, tập trung thực hiện các Nghị quyết để phát huy hơn nữa tiềm năng, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển Ninh Bình trở thành tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

ÔNG LÊ HÙNG THẮNG - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT NINH BÌNH:

Ngành TN&MT sẵn sàng, quyết tâm tạo “thế và lực” mới

8hungthang.jpg

Sở TN&MT luôn coi trọng nhiệm vụ chính là xác lập vai trò đặc biệt quan trọng về quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững. Do vậy, thời gian tới, Sở sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh cụ thể hóa chính sách, pháp luật về TN&MT, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện, để thực hiện công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững, giải quyết kịp thời các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn gắn với các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TN&MT.

Cùng với đó, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm đầu mối trung gian trên tinh thần phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Sở TN&MT quyết tâm tận dụng các cơ hội, huy động mọi nguồn lực nhằm tạo “thế và lực” mới để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng thời kỳ, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

ÔNG NGUYỄN XUÂN ĐỨC - CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC MÔI TRƯỜNG VÀ BIỂN ĐẢO, SỞ TN&MT NINH BÌNH:

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

8xuanduc.jpg

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong 20 năm qua, ngành TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo điều hành, các cấp, các ngành chức năng chuyên môn đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường được triển khai thường xuyên đã góp phần xây dựng Ninh Bình ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Thời gian tới, ngành TN&MT Ninh Bình tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Chính phủ; các chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường.

Đồng thời, triển khai trên diện rộng hoạt động thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô lớn; chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngay từ khâu lập quy hoạch, thẩm định và triển khai xây dựng hạ tầng, dự án đầu tư thứ cấp; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tự động, liên tục; thực hiện quan trắc đối với những cơ sở có lưu lượng xả thải lớn; nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuyết Chinh - Khải Minh - Tuyết Chinh (lược ghi)