Môi trường

Phát động các giải thưởng về hiệu quả năng lượng năm 2023

Khánh Ly 06/09/2023 - 15:51

(TN&MT) - Ngày 6/9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp – công trình xây dựng năm 2023; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2023”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải thưởng còn nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng”.

z4667826586400_a234aed815b060a8dce88549881c169e.jpg
Ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ CÔng Thương) phát biểu tại Lễ phát động

Thời gian nhận hồ sơ tham gia các giải thưởng từ nay đến hết ngày 15/11/2023. Sau khi thời gian nhận hồ sơ kết thúc, hội đồng kỹ thuật giải thưởng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn các công trình, sản phẩm, doanh nghiệp đạt tiêu chí xét tặng giải thưởng. Dự kiến Lễ công bố và trao giải diễn ra vào tháng 12/2023.

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2023 sẽ được dán nhãn chứng nhận của Bộ Công Thương với mã QR đi kèm khi lưu thông sản phẩm, hàng hóa ra thị trường. Khi quét mã, người tiêu dùng có thể trực tiếp tham khảo thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm từ điện thoại.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Hội đồng giám khảo các giải thưởng là các chuyên gia đại diện các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội ngành nghề liên quan có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng. Hội đồng sẽ làm việc với tinh thần khách quan, công tâm, minh bạch, dựa trên các thông số kỹ thuật để thực hiện đánh giá các giải pháp, công nghệ sử dụng, thiết bị, sản phẩm đăng ký giải thưởng.

z4667826594683_084dcce290e3440e90f08dfcffbfea51.jpg
Đông đảo đại diện các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng, công nghiệp, xây dựng tham gia Lễ phát động

Ban Tổ chức kỳ vọng các giải thưởng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều công trình, sản phẩm, doanh nghiệp đạt chứng nhận, góp phần thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Theo Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.

Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng.

Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng cũng khá lớn. Theo Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.

z4668446915455_6b39074f8ed6e5ee5191706a0002294a.jpg
Quang cảnh Lễ phát động

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện. Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững nhận định, tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho doanh nghiệp từ việc giảm chi phí cho năng lượng. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính, là cơ sở để doanh nghiệp hướng tới dán nhãn các-bon trên sản phẩm của mình. Điều này đặc biệt quan trọng với hàng hóa xuất khẩu đến các thị trường giá trị cao như Liên minh châu Âu (EU) hay Hoa Kỳ. Trong năm 2023, EU cũng sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM) và lộ trình đến năm 2026 sẽ bắt đầu tính phí các-bon với hàng hóa nhập khẩu vào EU. Đây là áp lực nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến SDNLTK&HQ và hiệu quả, tích hợp các nguồn NLTT và tiến tới giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.

- Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Tính đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của hơn 140 doanh nghiệp với 720 giải pháp tiết kiệm năng lượng. 56 cá nhân cũng đã được vinh danh.
- Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng đã qua 2 năm tổ chức và thu hút 78 đơn vị, cùng gần 560 giải pháp tiết kiết kiệm năng lượng. Đến nay, 39 công trình thuộc hạng mục công trình xây dựng mới và công trình cải tạo đã đạt giải thưởng.
- Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất đã có năm thứ tư liên tiếp tổ chức. Bộ Công Thương đã công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất cho gần 300 sản phẩm, tôn vinh 11 thương hiệu. Các sản phẩm thuộc nhóm mặt hàng: điều hòa không khí, máy giặt, bình nước nóng, đèn led chiếu sáng, máy biến áp, động cơ điện.


Khánh Ly