Môi trường

Công nhân môi trường Urenco và ước mơ… nghỉ lễ

Việt Hải 05/09/2023 20:29

(TN&MT) - Kỳ nghỉ lễ vừa qua, trong khi nhiều gia đình ở Hà Nội vui vầy đoàn tụ, hoặc về quê thăm thú họ mạc, hoặc tận hưởng những chuyến du lịch… thì hầu như cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) bám địa bàn để duy trì vệ sinh, đảm bảo cho thành phố sạch đẹp nhất trong dịp Quốc khánh và Lễ Khai giảng năm học mới.

“Tính đến hết chiều 5/9/2023, công tác vệ sinh môi trường phục vụ Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2/9 và phục vụ Lễ Khai giảng năm học mới đã hoàn thành đúng theo Kế hoạch; chất lượng vệ sinh môi trường đảm bảo; không có sự cố môi trường hay tình huống mất an toàn lao động, an toàn vệ sinh xảy ra. Khu vực diễn ra các sự kiện quan trọng được duy trì tuyệt đối về chất lượng môi trường, thời gian trực; khu vực vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện thường xuyên có lực lượng ứng trực, tăng cường nhân lực, tăng cường trang thiết bị và phương tiện hỗ trợ như máy quét hút, xe rửa đường, thuyền, vợt vớt rác trên hồ… Đi đôi với đảm bảo chất lượng là chế độ thưởng cho tất cả cán bộ, công nhân toàn Công ty để động viên tinh thần, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng phục vụ”…

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco)

“Nghỉ lễ gì hả em?”

Trong cuộc trò chuyện tại điểm tập kết rác, thay vì trả lời câu hỏi của tôi “Anh có tranh thủ đi chơi đâu cùng gia đình trong mấy ngày nghỉ lễ không?” thì anh Nguyễn Anh Tuấn - công nhân Chi nhánh Đống Đa lại ngạc nhiên hỏi lại: “Nghỉ lễ gì hả em?” khiến tôi ngẩn ra một lúc vì tưởng anh không quan tâm thời sự. Nhẩn nha trò chuyện cùng anh, tôi được biết, vào những dịp này, những người làm công tác duy trì vệ sinh môi trường như các anh chỉ có tăng cường thêm người, thêm giờ chứ không nghỉ lễ.

Mặc dù tôi đã có nhiều dịp tìm hiểu công việc của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) nhưng mỗi lần trò chuyện lại vỡ ra thêm một điều, như chuyện nghỉ lễ vừa rồi chẳng hạn. Trong suy nghĩ của tôi, Urenco chỉ huy động tối đa lực lượng phục vụ trong dịp Tết, còn với các ngày lễ thì chắc chỉ một số trực nhất định để các cán bộ, công nhân khác có thể được nghỉ, thế nhưng hóa ra, Tết và các dịp lễ chẳng khác gì nhau, nhất là những dịp lễ trọng, nghỉ dài ngày, khi lượng người đổ về trung tâm và các khu vui chơi giải trí tăng đột biến thì công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội không chỉ duy trì 24/24 mà cường độ lao động của công nhân cũng phải tăng lên rất nhiều để giải quyết lượng rác phát sinh so với ngày thường. Vì thế, đối với những người như anh Tuấn, khái niệm nghỉ lễ hay trực nghe khá lạ tai. Anh nói: “Cứ làm suốt, làm gì trực bao giờ đâu”.

06.9-urenco.jpg
Công nhân URENCO làm việc trong ngày Lễ

Vừa trò chuyện với tôi, anh Tuấn vừa chèn tấm ván cơi cao thùng rác để tăng sức chứa. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Nguyễn Quang Nhiệm - người cùng tổ, cùng ca trực với anh Tuấn giải thích: “Những ngày lễ như thế này, lượng rác tăng lên rất nhiều nên anh em chúng tôi phải cơi thùng để chứa rác, tránh việc rác bị rớt ra ngoài trong quá trình tập kết hoặc chuyển đi”.

Anh Nhiệm gắn bó với nghề ngót nghét 15 năm. Những năm gần đây, anh được bộ phận điều hành linh động bố trí công việc vào ca 3 (thời gian từ 16 giờ chiều đến rạng sáng hôm sau). So với các ca khác, ca 3 được cho là vất vả nhất vì đây là thời điểm thu gom rác trong ngày, đồng thời, mọi hoạt động vui chơi, giải trí cũng tập trung vào chiều và đêm nên lượng rác phát sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, vì là sức trai trẻ, có thể cáng đáng việc nặng nhọc vất vả, mặt khác, các con anh đang còn nhỏ, anh nhận làm ca chiều sang đêm để ban ngày còn tranh thủ về phụ vợ việc gia đình và đưa đón con đi học.

Cũng thường xuyên làm ca chiều xuyên đêm như anh Tuấn, anh Nhiệm nhưng chị Ninh Thị Loan - Tổ Môi trường xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (thuộc Chi nhánh Hoàn Kiếm) lại có lý do khác. Theo bộ phận điều hành của Chi nhánh Hoàn Kiếm, địa bàn chị Loan phụ trách là khu vực phố đi bộ, mọi sinh hoạt tập trung cao điểm vào chiều, tối, cho đến nửa đêm. Là Tổ trưởng ở một địa bàn quan trọng, vào giờ cao điểm, chị tập trung giải quyết rác khu vực quanh hồ, các giờ khác dù không phải ca làm việc nhưng chị vẫn thường xuyên quán xuyến công việc chung, nhất là vào những dịp lễ Tết. Vì bận rộn như thế nên mọi việc, từ việc Công ty đến việc nhà chị đều tính toán đâu vào đấy, vào việc là tay lia chổi tay đẩy thùng nhanh thoăn thoắt nhưng chính xác đến từng chi tiết, hết ca là quay sang việc nhà, điện thoại lúc nào cũng bật chuông để nếu cần là có thể tới ngay giải quyết công việc được.

3a.jpg
Chị Ninh Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Môi trường xung quanh Hồ Hoàn Kiếm (Chi nhánh Hoàn Kiếm) - người được anh chị em trong Tổ đánh giá về tinh thần trách nhiệm và chất lượng công việc.

Chia sẻ trước những băn khoăn của chúng tôi, chị Nguyễn Huyền Trâm cùng tổ với chị Loan cho biết: “Đợt này em làm từ hôm 30/8 đến giờ, tính đến hôm nay là gần tuần. Dịp lễ Tết nào chả thế chị. Làm mãi rồi thành quen, như em đây hai nhăm năm chứ ít đâu, giờ bảo cho chuyển việc khác em cũng không muốn. Cũng may chồng em và gia đình chồng thông cảm thành thử em cũng yên tâm công tác. Với lại ở đây Ban Giám đốc Công ty rồi Ban Giám đốc Chi nhánh và các anh chị Văn phòng cũng có được nghỉ đâu chị. Vất vả chung mà”.

7.jpg
Chị Nguyễn Huyền Trâm tranh thủ phân loại rác

Chỉ mong người dân bỏ rác… ra đường

Đi dọc các tuyến phố hoặc đến các điểm thu gom rác trên địa bàn Hà Nội trong những ngày vừa qua, nhất là khu vực diễn ra các sự kiện vui chơi giải trí, tập trung đông người, mới thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân môi trường. Tại phố Lương Định Của, dù không phải địa bàn trọng điểm nhưng mới tầm 16 giờ chiều mà các thùng thu gom đã đầy rác, công nhân phải sử dụng thêm những chiếc túi cỡ đại vẫn chưa đủ sức chứa. Chị Bùi Thị Thu Hương - công nhân Tổ 4 Chi nhánh Đống Đa cho biết: “Mình và các anh chị em trong Tổ mấy ngày vừa rồi làm việc luôn chân tay nhưng không hiểu rác ở đâu ra mà nhiều thế, lượt đi quét chỗ nọ thì lượt về chỗ kia rác lại mọc ra. Rác ở rệ đường thì dễ chứ rác tấp lẻ tẻ vào gốc cây thì chỉ có nhặt bằng tay chứ quét thế nào được”.

4.jpg
Một túi rác "to hơn người" ở phố Lương Định Của

Tại điểm tập kết rác đầu phố Kim Hoa cắt Xã Đàn, các thùng chứa rác đều trong tình trạng cơi nới. Anh Nhiệm cho biết, lượng rác mấy ngày nghỉ tăng gấp rưỡi ngày thường nên các anh phải tăng thêm lượt thu gom. Anh bảo, những ngày này, đi thu gom thêm vài lượt ở các tuyến phố mình phụ trách hoặc tăng cường cho các điểm khác cũng không sao, miễn là người dân bỏ rác gọn vào túi và tập kết vào một chỗ góc đường. Nhưng có phải ai cũng làm thế đâu, nhiều nơi rác cứ vứt vào ngóc ngách, không moi ra không được mà moi được chỗ này thì chậm thu gom ở chỗ khác…

6.jpg
Rác vứt quanh gốc cây, tràn ra đường
rac-goc-cay.jpg
Một gốc cây trên đường Đinh Tiên Hoàng được "trang trí" bằng cốc nhựa và ống hút dùng một lần
rac-nhua-2.jpg
Rất nhiều cốc nhựa, ống hút nhựa

Vứt rác bừa bãi chân ghế đá, gốc cây, cạnh khóm hoa hoặc cây cảnh, chân hàng rào, ven hồ… đó là muôn kiểu vứt rác mà chúng tôi ghi nhận được tại khu vực phố đi bộ trong các ngày nghỉ lễ vừa qua. Cơ man là cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần, một số được vứt vào thùng rác, nhiều số tiện đâu vứt đấy. Trong số đó, tệ nhất là vứt xuống hồ và vứt lẫn vào các khóm hoa, cây cảnh lúp xúp hoặc gốc cây. Nhiều công nhân môi trường phải thò tay vào nhặt, để rác ra khoảng trống rồi mới có thể dùng chổi quét gom lại. Nhiều cốc nước chưa uống hết, nước lẫn đá làm lạnh văng ra tung tóe, gây khó khăn cho người dọn dẹp, đôi khi còn phiền hà cho người dân nếu chẳng may chạm phải, khi đó, cái nhìn không thiện cảm lại “soi” về phía công nhân môi trường chứ không phải những người sử dụng cốc vứt bừa bãi kia…

“Các anh các chị ý không vứt vào thùng được thì thà vứt ra rệ đường cho chúng em quét chứ cứ vứt vào chỗ hiểm thế này mất công lắm. Ngày nào Tổ cũng phải bố trí thuyền và công nhân ra hồ vớt rác. Hôm tối 2/9 đông nghẹt người, rác thì vứt thôi rồi luôn, đủ các loại. Có mấy chục mét vuông trước Tượng đài Lý Thái Tổ mà em dọn mãi mới xong” - Chị Loan chia sẻ.

Nếu chúng tôi không “mắt thấy” cảnh tượng rác thì lại cho rằng “tai nghe” không chuẩn, thấy rồi thì thật sự ái ngại cho những người làm vệ sinh môi trường. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, chỉ loanh quanh khu Thủy Tạ, nhà hàng cá mập và mấy nhà hàng, quán xá cạnh đó mà cả chục thùng chứa không hết. Tuy nhiên, chưa thấm vào đâu so với đêm 2/9, rác thải ra ở khu vực phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm đầy kín 50 thùng các loại cộng thêm 50 túi ni lông cỡ đại phát sinh mà vẫn thiếu dụng cụ đựng rác. Nhiều công nhân 3, 4 giờ sáng mới về nhà, có người hồi tối mải làm quá không kịp ăn, 4 giờ sáng mới lùa vội bát cơm… Những khu cao điểm như thế tạm dịu đi thì tối 4/9, lực lượng công nhân lại tiếp tục chuyển sang các điểm trường để phục vụ Lễ khai giảng năm học mới.

quet-rac-luc-hon-nua-dem.jpg
Lúc này là 00 giờ, 06 phút, 49 giây

Công việc nào rồi cũng có vất vả, có buồn có vui, nhưng cái sự vất vả của Người Urenco thật sự khiến chúng tôi mủi lòng, suy nghĩ. Có khó khăn gì đâu khi để rác đúng nơi quy định mà nhiều người không làm được? Sao người này bỏ rác đúng nơi quy định mà người kia lại không? Giá như ai cũng biết tự vấn lòng mình. Giá như mỗi nhà mỗi người có ý thức hơn một chút, để rác gọn gàng, vứt rác vào nơi quy định thì tình hình có thể cải thiện hơn, đỡ vất vả hơn cho những người quản lý, quét dọn, thu gom. Khi đó biết đâu, cán bộ, công nhân Công ty Urenco sẽ được thay phiên nhau nghỉ lễ.

phun-nuoc.jpg
Xe phun nước rửa đường của Chi nhánh Hoàn Kiếm

Thông tin từ Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), trong dịp nghỉ Lễ vừa qua, 100% đơn vị thực hiện chế độ điều hành sản xuất 24/24 theo Kế hoạch Công ty đã ban hành, đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ, duy trì đường dây nóng điều hành sản xuất 24/24 giờ tiếp nhận thông tin, giải quyết các tình huống đột xuất. 100% lãnh đạo các đơn vị, phòng ban mở điện thoại di động 24/24 (không tắt máy) để kịp thời thông tin điều hành sản xuất. 100% các Chi nhánh thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về Trung tâm Điều hành sản xuất để Ban lãnh đạo nắm tình hình. Tất cả các phòng, ban, trung tâm đều có lực lượng trực để làm công tác điều hành, đảm bảo, phục vụ và giải quyết các tình huống phát sinh...

Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi lại

20230903_171519.jpg
Chị Bùi Thị Thu Hương - công nhân Tổ 4 Chi nhánh Đống Đa bắt đầu vào ca chiều
20230903_174039.jpg
Xe thu gom rác nào cũng phải cơi nới
20230903_172530.jpg
Phối hợp nhịp nhàng
20230903_180709.jpg
Gom rác trên phố Hàng Bông
20230903_191623.jpg
Mới gom xong chỗ này lại có ngay rác chỗ khác
xe-quet-hut.jpg
Nhiều khi xe quét hút cũng "bó tay" vì kẹt rác
3(1).jpg
Vì thế, hiện tại công việc quét dọn, thu gom vẫn cơ bản dựa vào sức người
20230903_182429.jpg
Ngoài kia là không khí đông đúc, náo nhiệt. Còn ở một góc đường, người công nhân môi trường lặng lẽ, cần mẫn bên túi rác

Việt Hải