Quảng Ninh: Phát huy lợi thế đất đai, tạo sinh kế bền vững
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Nhiều chính sách hiệu quả
Quảng Ninh hiện có 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, việc phát triển kinh tế, thu nhập và việc làm của phần lớn người dân, nhất là bà con sinh sống ở khu vực chủ yếu dựa vào ngàng nông, lâm nghiệp. Vì vậy, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tỉnh đã chú trọng phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành cơ cấu lại đất đai, sản xuất, cũng như hoàn thành việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là Nghị quyết đầu tiên của tỉnh chuyên về phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Bằng những chính sách hỗ trợ đặc thù đã tạo nguồn lực cho chủ rừng quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất lâm nghiệp truyền thống với chu kỳ ngắn hạn, hiệu quả kinh tế thấp, quy mô nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất bền vững với chu kỳ kinh doanh dài hạn, gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm tại TP.Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ trên 34 tỷ đồng để trồng mới 1.656,2ha rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.460ha, trong đó 631,8ha lim, giổi, lát.
Xác định nguồn vốn là trợ lực quan trọng để đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng tập trung, nâng cao giá trị, giúp người dân có việc làm thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn. Ngay sau khi được cấp vốn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh phân bổ vốn cho các địa phương nhanh chóng giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Qua đó, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Anh Triệu Tiến Lộc, thôn Bàng Anh, xã Tân Dân, TP.Hạ Long cho biết: Gia đình được giao quản lý 30ha rừng, trong đó có 9ha rừng lim có giá trị kinh tế cao. Để duy trì rừng lim hàng chục năm tuổi, được sự hỗ trợ của chính quyền, cùng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, gia đình triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như ba kích, trà hoa vàng, sâm cát cho nguồn thu ổn định, trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nâng cao đời sống nhân dân
Bằng các giải pháp đồng bộ, đời sống đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, thu nhập nâng cao, khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh từng bước được rút ngắn.
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đải, nhất là địa bàn các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, có giá trị kinh tế cao. Điển hình như mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng được chứng nhận VietGAP tại TX.Đông Triều với tổng diện tích 150 ha; vùng trồng cây dong riềng tại 2 huyện Bình Liêu và Tiên Yên với diện tích 250 ha; vùng trồng chè tập trung tại huyện Đầm Hà và Hải Hà với diện tích 544 ha.
Cùng với đó, Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án giao đất giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê trên 139.313 ha với 34.309 hộ tập trung tại các huyện miền núi. Đây là hướng đi mới vừa phát huy lợi thế đất đai, trồng rừng gỗ lớn kết hợp cây dược liệu bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con vùng DTTS taị các huyện miền núi.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh đã tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực, trong 3 năm 2021- 2023 đã ưu tiên bố trí 2.633 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho Chương trình mục tiêu quôc gia giai đoạn 2021-2025.
Riêng trong năm 2023, Quảng Ninh đang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là chính sách quan trọng giúp cho hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống.
Nhờ vậy, trong 2 năm (2021- 2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ.