Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Theo các chuyên gia, việc trục lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) dưới bất cứ hình thức nào đều đi ngược lại với mục tiêu, làm giảm ý nghĩa nhân văn về chính sách an sinh xã hội. Do đó, cần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.
Trục lợi BHXH xảy ra nhiều năm với các thủ đoạn tinh vi
Sổ BHXH được cấp và giao cho người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng mua bán sổ BHXH trên các trang mạng xã hội đang diễn ra sôi động - điều này vừa vi phạm pháp luật, vừa để lại những hệ lụy khôn lường cho người lao động.
Chỉ cần gõ từ khóa "mua bán sổ BHXH” vào mục tìm kiếm trên trang Facebook, hàng loạt fanpage hiện ra với các tiêu đề như "thanh lý sổ BHXH trước hạn và xử lý lỗi", "hỗ trợ cầm và thanh lý BHXH”, "thu mua sổ BHXH trước hạn"… với số lượng thành viên mỗi nhóm từ hàng trăm đến hàng chục ngàn người.
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng gian lận, trục lợi BHXH đã xảy ra nhiều năm với các hình thức, thủ đoạn tinh vi như trốn đóng, nợ BHXH. Ngoài ra, tình trạng mua bán sổ BHXH qua mạng bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; người lao động mang sổ BHXH của mình đi cầm cố hoặc bán… cũng đang gia tăng.
Tại Khoản 6, Điều 18 Luật BHXH đã quy định, người lao động có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn hạn chế, nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo nhằm thực hiện việc mua bán sổ BHXH với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động mua bán sổ BHXH trên môi trường internet. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH.
Xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra
Điển hình gần đây nhất về trục lợi BHXH, BHYT là vụ việc 6 phòng khám đa khoa tư nhân ở Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai làm giả giấy tờ để trục lợi tiền BHXH, BHYT thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang nhóm đối tượng bán giấy xác nhận nghỉ bệnh, khám sức khỏe cho người lao động, mỗi tờ trị giá 10 đến 20 ngàn đồng.
Các đối tượng khai nhận thời gian qua đã bán loại giấy tờ này cho hàng chục ngàn công nhân các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đến cuối tháng 5/2023, cảnh sát điều tra công an thành phố Biên Hòa đã tịch thu 130 ngàn giấy xác nhận bệnh, giấy khám sức khỏe ghi khống kết quả nhưng chưa điền tên và tạm giữ hàng chục tang vật phục vụ cho điều tra, khởi tố. Những sai phạm này đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho quỹ BHXH, BHYT.
Liên quan đến tình trạng này, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung nhận định, tình trạng trốn đóng BHXH, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Cụ thể, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, Bộ LĐTB&XH sẽ dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề BHXH. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra BHXH kiểm soát trên lĩnh vực thu.
Để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHXH, BHYT, theo các chuyên gia, trọng tâm là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách…; thường xuyên chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám chữa bệnh cũng cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.
Cạnh đó, thực hiện đầy đủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đúng quy định về cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án.
Việc đối chiếu dữ liệu thông tin trong quản lý BHXH của cơ quan chủ quản, cơ quan BHXH địa phương cũng cần làm thường xuyên để có thể phát hiện nhanh, xử lý kịp thời vi phạm và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ BHXH, BHYT.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, người lao động cần nêu cao cảnh giác để không bị lôi kéo, xúi giục, tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH; chủ động tố giác các hành vi phạm pháp tới cơ quan công an.
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; tăng cường các cảnh báo từ hệ thống giám sát điện tử của cơ quan BHXH Việt Nam… cũng là các vấn đề được các chuyên gia kiến nghị.
Có thể thấy, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi BHXH, BHYT là cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời góp phần thiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.