Xã hội

Điện Biên từng bừng trong ngày Tết Độc lập

Trần Hương 02/09/2023 - 09:49

(TN&MT) - Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, đồng bào các dân tộc tại tỉnh Ðiện Biên lại từng bừng, phấn khởi với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao mang đậm đà sắc màu dân tộc. Bởi đối với họ, ngày Quốc khánh cũng chính là ngày Tết Độc lập theo lễ tục cổ truyền của bà con.

Trong các ngày 1-2/9, người dân từ nhiều xã, huyện vùng cao kéo nhau về TP. Ðiện Biên Phủ hoặc trung tâm huyện vui chơi, trẩy hội. Khắp các bản làng của người Thái, người Mông, người Khơ Mú hay Hà Nhì... rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống, tưng bừng hát múa, chơi các trò dân gian...

Năm nay không khí ngày Tết Ðộc lập vẫn tưng bừng như thế. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các tuyến đường, khu dân cư, từ vùng cao, biên giới đến vùng “lòng chảo”, thành phố. Nhân ngày lễ trọng đại này, nhiều địa bàn còn tổ chức ngày hội, sự kiện văn hóa cho người dân gặp gỡ, giao lưu. Như Ðiện Biên Ðông khai trương phiên chợ vùng cao xã Keo Lôm. Nậm Pồ tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ I; Mường Nhé có Ngày hội đoàn kết các dân tộc lần thứ VI; trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ năm nào cũng diễn ra giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... Vào những ngày lễ, toàn bộ công việc đồng áng, nương rẫy của người dân đều tạm nghỉ, dành thời gian tham gia các hoạt động, hòa mình vào dòng người ngược xuôi vui Tết Ðộc lập.

h-mong-001.jpg
Ðồng bào dân tộc Mông thi giã bánh giầy trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ngày Tết Ðộc lập tại Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Tại Nậm Pồ, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ I sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Thái; liên hoan nghệ thuật quần chúng; thi ẩm thực; trưng bày các sản phẩm đặc trưng tại địa phương; trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống dân tộc Thái, hát giao duyên, múa sạp...

Ngày hội được tổ chức tại Sân vận động xã Phìn Hồ. Trùng thời điểm này, chợ đêm Phìn Hồ cũng diễn ra, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Là xã chủ nhà, không chỉ người Thái mà đồng bào các dân tộc trên địa bàn Phìn Hồ đều mong chờ với nhiều náo nức. Ông Thùng Văn Thiện, Trưởng bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ chia sẻ: “Năm trước, dịp 2/9, người dân các bản trong xã và các xã trong vùng đổ về sân vận động Phìn Hồ rất đông để vui chơi, hàng nghìn người, đông kín sân. Năm nay huyện tổ chức Ngày hội văn hóa Thái, chắc chắn sẽ lại đông vui như thế. Phìn Hồ chỉ có Chăn Nuôi là bản người Thái, nên chúng tôi phải chuẩn bị các tiết mục thật tốt, thật hay để giới thiệu đến khách gần xa”. Với sự mong chờ ấy, từ giữa tháng 8, hàng tối, đội văn nghệ, phụ nữ trong bản đã tập luyện hát múa để biểu diễn trong Ngày hội. Từ người già đến người trẻ, người thì chơi tính tẩu, người tập tó má lẹ, xòe Thái... rộn ràng cả bản. Những bộ váy áo truyền thống đẹp nhất được mang ra phơi, móc treo phẳng phiu, chuẩn bị cho ngày trẩy hội.

Còn tại Nhà văn hóa xã, đội văn nghệ của xã, cán bộ công chức, giáo viên trên địa bàn Phìn Hồ cũng hăng say tập luyện góp vui màn hát, múa giàu bản sắc dân tộc Thái. Cùng với đó, các bản, tổ hợp tác, đoàn thể trong xã bận rộn sắp xếp, trang trí 15 gian hàng trưng bày, quảng cáo các sản phẩm địa phương, trong tổng 36 gian hàng toàn huyện. Tất cả đều mong chờ ngày Tết Ðộc lập thật đông vui, sôi nổi và rực rỡ sắc màu.

a1.jpg
Trò chơi đi cà kheo tại ngày hội văn hóa, thể thao, văn nghệ diễn ra tại Trung tâm TP. Điện Biên Phủ

Ở một số địa bàn không diễn ra hoạt động quy mô cấp huyện thì các xã cũng chủ động tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người dân. Không chỉ vậy, ở nhiều bản làng vùng cao, việc người dân ăn mừng Tết Ðộc lập, vui chơi tưng bừng ngay tại địa bàn đã trở thành thông lệ và là nét đẹp văn hóa được duy trì, gìn giữ qua nhiều năm.

Năm nay, Tuần Giáo không tổ chức các hoạt động giao lưu dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cho người dân, bởi không có địa điểm - công trình công cộng, sân vận động huyện đang trong quá trình thi công, hoàn thiện. Vì thế huyện chỉ đạo các xã quan tâm, triển khai sân chơi cho nhân dân phù hợp với tình hình, điều kiện địa bàn. Theo đó, các xã: Ta Ma, Rạng Ðông, Mùn Chung, Tênh Phông, Tỏa Tình, Pú Nhung... đều lên kế hoạch cho nhiều hoạt động trong ngày Quốc khánh.

Xã Ta Ma tổ chức thi đấu bóng chuyền giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thi đấu kéo co giữa các bản trong xã, thu hút nhiều người dân về trung tâm cổ vũ, chung vui. Còn tại các cộng đồng người Mông, người Kháng (xã có 2 dân tộc), nơi nào cũng tưng bừng vui chơi ngay tại bản. Trạm Củ là bản xa xôi và khó khăn nhất Ta Ma, chưa có điện thắp sáng, đường vào còn gian nan nhưng năm nào cũng sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Anh Quàng Văn Nắn, bản Trạm Củ cho hay: “Dù cuộc sống còn vất vả, nhưng có được ngày hôm nay hòa bình, độc lập, con em vui vẻ đến trường, bà con được Ðảng và Nhà nước quan tâm bằng nhiều chương trình khác nhau... thì ai nấy đều rất biết ơn, trân trọng ngày Tết Ðộc lập. Vì đường xa, ít người ra xã, huyện vui chơi được, nên từ lâu Trạm Củ đã quen rằng vào ngày lễ 2/9, dân bản mặc đẹp, tập trung tại khoảng đất trống của bản, cùng múa, cùng chơi, rồi đến nhà nhau ăn mừng, chúc tụng tới muộn, thậm chí sang đến ngày hôm sau”.

a2.jpg
Các chàng trai cô gái chơi ném pa pao, trò chơi truyền thống của người Mông

Không kể vùng cao, vùng thấp, không kể dân tộc, tôn giáo, đồng bào khắp các địa bàn tỉnh ta đang cùng hướng về Tết Ðộc lập. Có nơi tưng bừng, đa dạng hoạt động, có nơi tổ chức trong khuôn khổ nhỏ nhưng ấm áp, thân tình. Trải qua những chặng đường của lịch sử, ngày Tết Ðộc lập đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà; thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng, dân tộc, địa phương. Ðồng thời, đây cũng là cách mà người dân Ðiện Biên dạy cho con cháu mình nhớ về sự kiện trọng đại của đất nước, khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam...

Trần Hương