Tài nguyên nước

Để những mạch nguồn chảy mãi

Nguyễn Thủy 01/09/2023 - 22:10

Việt Nam được dệt thêu bởi 3.450 sông, suối - tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo. Thế nhưng, sông ngòi - những mạch sống của các hệ sinh thái đang bị đầu độc bởi con người. Ngày nay, khó có thể kiếm được con sông nào giữ được một vài nét nguyên sơ.

Nghịch lý trên sông

Nước ta hiện có 108 lưu vực sông với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Thế nhưng, hệ lụy của phát triển “nâu” đang khiến chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp suy thoái tới mức “báo động đỏ”, tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh.

d1-1-1536x960.jpg

Bằng chứng là, hiện nay, chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp bị suy thoái tới mức gần như biến chất, phù sa màu mỡ đang dần phải nhường chỗ cho muôn nẻo nguồn thải. Nhu cầu phát triển thủy điện cũng đang tạo sức ép nặng nề lên các dòng sông. Hầu như mỗi dòng sông đều mang trên mình ít nhất một con đập. Người ta xây đập sản xuất điện bất chấp mọi quy luật vận hành của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế. Chỉ hơn 20 năm qua, gần 1.000 công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng, cùng với những lợi ích do các công trình trên đem lại, những tác động của nó đến con người, môi trường, sinh thái cũng vô cùng lớn, không dễ khắc phục.

Nghịch lý nguồn nước ở Việt Nam là "quá nhiều, quá ít và quá bẩn". Trong đó, tuy Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc vào các con sông quốc tế với hơn 60% tổng dòng chảy nước mặt trung bình hàng năm chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn nên Việt Nam có ít sự chủ động trong quản lý đối với những con sông này. Cùng với đó là biến đổi khí hậu khiến tình trạng mưa nhiều và tập trung vào những tháng mùa mưa dẫn đến lũ lụt trong khi hạn hán, thiếu nước trở nên thường xuyên, ngày càng trầm trọng vào những tháng mùa khô khiến cho việc quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông, song việc phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông vẫn còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước.

Điển hình là, mặc dù các tổ chức lưu vực sông hoạt động nhiều năm nhưng chưa thể hiện được vai trò trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng… Trên cùng 1 dòng sông, hiện đang có tới 4 bộ, ngành giữ vai trò quản lý. Dù hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong việc quản lý, tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam đang thiếu một tổ chức có quyền hạn và trách nhiệm thực sự để điều tiết các vấn đề trên lưu vực sông.

Nỗ lực bảo vệ, hồi sinh “mạch sống của Trái đất”

Để củng cố và tăng cường hiệu quả quản lý của công tác bảo vệ môi trường nói chung và lưu vực sông nói riêng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nhiều nội dung mới về công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là việc đánh giá sức chịu tải của sông, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải... để nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông, vì tương lai xanh của đất nước.

Cuối năm 2022, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được Chính phủ phê duyệt lần đầu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm, giúp hồi sinh các dòng sông chết. Một mục tiêu quan trọng của Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên. Qua đó giúp nhiều dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được phục hồi.

0249_image007.jpg

Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, trong tháng 2 và tháng 3/2023, Chính phủ cũng ban hành Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đối với các sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023 và dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ quy hoạch tổng hợp trên 13 lưu vực sông liên tỉnh, sông lớn. Việc hoàn thiện các Quy hoạch đều nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT hoàn thiện với các điều, khoản xuyên suốt đưa vào khuôn khổ trong Luật quy định cụ thể các nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh… nhằm tăng cường đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung chính sách xã hội hóa ngành nước nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động phục hồi các dòng sông, hồ, ao bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng công trình, biện pháp cải tạo, bảo vệ, tạo cảnh quan ven sông, hồ; công trình, biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;…

Mới đây nhất, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã đưa ra giải pháp quan trọng để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ. Người đứng đầu ngành TN&MT nhấn mạnh tới việc kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông thông qua các hoạt động quan trắc môi trường, điều tra, thống kê nguồn thải; xác định các điểm nóng về môi trường để tiến hành phân vùng môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường; triển khai nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ một số mô hình xử lý nước thải sinh hoạt chi phí thấp cho cụm dân cư đô thị thuộc các lưu vực sông.

Việt Nam có 13 sông là dòng chính các lưu vực sông lớn cần được xem xét, phân tính, đánh giá và xây dựng các giải pháp trong các bản quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đến nay, đã có 5/13 lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm: lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Sêrêpôk, lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long.

Song song với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực sông, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình giúp duy trì và tăng cường “không gian cho sông” và gìn giữ, phát triển “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; khuyến khích gìn giữ, phát triển các không gian trữ nước mưa trong quá trình phát triển đô thị và phải đảm bảo nguyên tắc không mang rủi ro từ nơi này sang nơi khác; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô. Các địa phương trong vùng khẩn trương lập danh mục các hồ, ao, nguồn nước cần bảo vệ; lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; nghiêm cấm lấp sông và hạn chế tối đa việc lấn sông, làm giảm không gian thoát lũ.

Hy vọng với những quyết sách quan trọng để bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sắp được ban hành cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các giải pháp với quyết tâm cao được Bộ TN&MT đưa ra, "mạch sống của Trái đất" sẽ tiếp tục được bảo vệ, những mạch nguồn sẽ tiếp tục được hồi sinh và chảy mãi.

Nguyễn Thủy