Xã hội

Làm nghề để biết thương nghề nhiều hơn

Thu Hường 01/09/2023 - 22:08

(TN&MT) - Đối với nghề này, bão rồi sẽ tan, mưa rồi sẽ tạnh, nhưng những trăn trở thì ở lại...

Nhiều năm về trước, tôi gặp anh - một đồng nghiệp đáng kính lần đầu tiên vào đợt “kiểm tra chéo” trước mùa mưa bão. Khi đó, tôi - một nhân viên tập sự, còn anh đã là một dự báo viên kì cựu, có chuyên môn và vô cùng trách nhiệm với nghề nghiệp. Phải nói thêm với bạn rằng, trong ngành của tôi, “kiểm tra chéo” là một khái niệm không mới mẻ, kể cả với những dự báo viên tập sự như tôi năm đó. Bởi năm nào, trước mùa mưa bão, các lãnh đạo dù bận trăm công nghìn việc cũng cố gắng sắp xếp một vài cuộc kiểm tra.

Đó là những chuyến công tác về địa phương để kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ, qua đó định hướng và tập huấn cho cán bộ nâng cao kỹ năng, tay nghề; cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những cán bộ viên chức ở cơ sở - nơi mà bấy lâu nay vẫn luôn được báo đài đưa tin với những dòng title: nơi “đầu sóng ngọn gió”, nơi “đếm gió đo mưa” hay “những con người ở căn phòng không bao giờ tắt đèn”.

du-bao-vien-cua-dai-khi-tuong-thuy-van-tinh-theo-doi-anh-vien-tham-may-ve-tinh-ra-da-thoi-tiet.jpg
"Đọc" mây

Giờ thì hẳn bạn đã đoán ra tôi làm nghề dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn. Hằng ngày, những thông tin dự báo thời tiết phát trên đài truyền hình, báo mạng, báo in là sản phẩm của chúng tôi. Nhưng để tạo ra một vài dòng nội dung trên báo hay vài phút thông tin mà các cô MC vẫn đọc trên tivi, chúng tôi đã làm việc ra sao, chắc có lẽ không nhiều người biết tường tận.

Trở lại câu chuyện về người anh đồng nghiệp mà tôi đã nói ở trên, chính anh là người đã truyền cảm hứng nghề nghiệp cho tôi - một cô bé mới chân ướt chân ráo bước vào nghề. Thời gian thấm thoát trôi qua, anh giờ đã trở thành một lãnh đạo có tâm và tôi cũng gắn bó với nghề dự báo 10 năm có lẻ. Lúc này, ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ tới những câu chuyện chúng tôi chia sẻ với nhau về “góc khuất” của nghề dự báo.

12 năm trước, tôi từng ngô nghê hỏi anh: “Làm dự báo có khó không ạ !?” Anh trả lời: “Không khó, nhưng cần thời gian!” Nghĩa là, chúng tôi cần học hỏi, sử dụng những sản phẩm, công nghệ mới, qua đó từng bước tích lũy kinh nghiệm, một yêu cầu ngành nghề nào cũng cần, nhưng trong ngành “bắt bệnh giời” này đó là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dự báo. Hiện nay, ngoài việc tham khảo và vận dụng linh hoạt kết quả của hàng chục công cụ dự báo, hàng nghìn dữ liệu quan trắc, hằng xa số sản phẩm mô hình... để tạo ra một bản tin ngắn gọn, súc tích và hiệu quả; kỹ năng chúng tôi bắt buộc phải trau dồi là kinh nghiệm trong sử dụng các công cụ, sản phẩm dự báo và một chút bản lĩnh nghề nghiệp, kinh nghiệm xử lý tình huống. Nhân tố con người luôn là then chốt quyết định hiệu quả công việc. Trong Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và gần đây nhất là Quyết định 1970 của Thủ tướng chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều nhấn mạnh đến vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như chú trọng đến đào tạo nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm khí tượng thủy văn.

Cái khó của nghề là phải dự báo trước, đúng và trúng thời gian, địa điểm thiên tai có thể xảy ra, để các cấp có thẩm quyền và người dân biết mà phòng tránh. Tuy nhiên, dù khoa học kĩ thuật có tiến bộ, dự báo viên có năng lực đến đâu thì vẫn tồn tại những sai số. Khi là dự báo mưa to nhưng hóa ra mưa lại không nhiều đến vậy, khi là dự báo bão đổ bộ buổi chiều nhưng buổi sáng đã có gió mạnh và mưa to quật đổ nhiều cây cối, cuốn phăng nhiều mái nhà...

chuyen-nguoi-do-giong-bao(1).jpg
Nhật quang ký - người bạn thân thiết của những người làm nghề dự báo KTTV

Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi lại ngồi lại với nhau, chia sẻ, rút kinh nghiệm để hi vọng những đợt thiên tai sau sẽ không còn những điều đáng tiếc lặp lại. Dường như trong mỗi chúng tôi luôn có một áp lực vô hình mà nghề “quan thiên giám” này mang lại. Dự báo viên luôn đặt ra yêu cầu với bản thân “phải đúng” (bản tin); quan trắc viên thì là cụm từ “không quên ca chậm obs”. Có những đêm, dưới điều kiện thời tiết mà màn hình điện thoại của mọi người chỉ hiển thị nhiệt độ 1 con số, thậm chí là số âm; các đồng nghiệp của tôi vẫn cần mẫn ra vườn để “không quên” và ôm máy tính ở phòng làm việc để “phải đúng”. Làm nghề, hiểu người nên thương nghề và người vô cùng.

Tôi còn nhớ một chiều tháng 10 năm 2020, miền Trung mưa trắng trời. Sau gần 1 tháng trực triền miên, anh nhắn cho tôi một cái tin: “Anh mệt rồi, nhưng mong sao ngày mai mưa ngớt. Nhìn cảnh bà con… trong cơn lũ dữ, anh chỉ biết lặng im”. Tôi cũng biết, những ngày qua, anh và các đồng nghiệp khác đã luôn tận tâm và làm việc với trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất; đã dự báo sớm, theo dõi sát mọi diễn biến của mưa lũ, cập nhật tình hình thiên tai bất kể ngày đêm. Vậy mà đôi lúc cái suy nghĩ “bất lực” với cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên vẫn thấp thoáng hiện ra. Đó là những khoảng lặng của nghề dự báo. Sức người là hữu hạn, thiên nhiên thì vô hạn. Dù chúng tôi có cố gắng cỡ nào, trách nhiệm và dự cảm nghề nghiệp ra sao, những điều thương tâm vẫn có thể xảy ra đâu đó. Đối với nghề này, bão rồi sẽ tan, mưa rồi sẽ tạnh, nhưng những trăn trở thì ở lại.

Những năm gần đây, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi, những dự báo viên dần biến thành những “nhà báo” bất đắc dĩ. Mỗi đợt mưa to, bão mạnh, chúng tôi vừa ra bản tin để phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, vừa trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tranh thủ ngồi viết
content trên facebook, zalo... cập nhật đường đi của bão, ảnh hưởng của mưa lớn... Linh hoạt trong phương thức truyền tin, chú trọng đến dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai hơn là cứng nhắc trong bản tin với các thuật ngữ dự báo chuyên sâu. Với hi vọng những thông tin chính thống được truyền tải đa chiều, dễ hiểu và kịp thời tới người dân, thiệt hại do thiên tai sẽ là nhỏ nhất. Nhận thức cộng đồng và cách thức truyền thông thay đổi, tư duy của người làm dự báo cũng phải thay đổi để phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

Chúng tôi hiểu rằng, dù công việc có thầm lặng, dù áp lực là vô hình hay hữu hình, chỉ cần chúng tôi mang những trăn trở nghề nghiệp đó, với tâm thế của người làm nghề phục vụ cộng đồng để tiếp tục cố gắng, thì sau cơn mưa đêm, bình minh nhất định sẽ ló rạng.

Thu Hường