Thế giới

Trẻ em có quyền sống trong môi trường trong lành

Mai Đan 30/08/2023 - 17:51

(TN&MT) - Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc vừa ban hành hướng dẫn mới kêu gọi các chính phủ hành động để bảo vệ các bé trai và bé gái trước cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc.

image1170x530cropped-6-.jpg
Trẻ em tìm đường về nhà qua dòng nước lũ ô nhiễm ở Jacobabad, tỉnh Sindh, Pakistan. Ảnh: UNICEF

Cần bảo vệ quyền trẻ em cả hôm nay và mai sau

Hướng dẫn mang tên “Khuyến nghị chung số 26” đánh dấu lần đầu tiên Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban) khẳng định quyền của trẻ em được sống trong môi trường trong lành và bền vững. Hướng dẫn cũng giải thích về nghĩa vụ của Nhà nước theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, đã được 196 quốc gia phê chuẩn. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ các quyền của trẻ em, bao gồm quyền được sống, sức khỏe, nước uống sạch và phát triển.

Khuyến nghị chung số 26 cung cấp hướng dẫn pháp lý về quyền trẻ em bị ảnh hưởng như thế nào bởi một chủ đề hoặc lĩnh vực pháp lý cụ thể, trong đó đề cập đến các quyền môi trường mới nhất với trọng tâm đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Thành viên Ủy ban Philip Jaffé cho biết trẻ em luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, kêu gọi các chính phủ và tập đoàn hành động để bảo vệ cuộc sống và tương lai của các em.

“Với Khuyến nghị chung số 26, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc không chỉ thôi thúc tiếng nói của trẻ em mà còn xác định rõ các quyền của trẻ em liên quan đến môi trường mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, bảo vệ và cùng nhau thực hiện sớm”, ông Philip Jaffé nhấn mạnh.

Khuyến nghị chung số 26 đề cập đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sự suy giảm đa dạng sinh học và tình trạng ô nhiễm lan rộng. Theo Khuyến nghị chung, các quốc gia có trách nhiệm không chỉ bảo vệ quyền trẻ em khỏi bị tổn hại trước mắt mà còn phải chịu trách nhiệm trước những hành vi vi phạm quyền trẻ em có thể nhận thấy trước trong tương lai do hành động hoặc không hành động ngày hôm nay.

Khuyến nghị chung cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường xảy ra cả trong và ngoài biên giới của họ. Các quốc gia đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em được kêu gọi hành động ngay lập tức, bao gồm hướng tới việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng không khí, đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và bảo vệ đa dạng sinh học.

Khuyến nghị chung số 26 - “Một bước tiến quan trọng”

Hướng dẫn mới của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc nêu rõ ý kiến của trẻ em phải được xem xét khi đưa ra quyết định về môi trường và nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục môi trường.

Ông David Boyd, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Nhân quyền và Môi trường gọi Khuyến nghị chung số 26 là “một bước tiến quan trọng” trong việc thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền sống trong một thế giới trong lành và bền vững. Theo ông, các chính phủ hiện phải thực hiện hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu.

Khuyến nghị chung số 26 là kết quả của sự tham gia toàn cầu và liên thế hệ, trong đó có tham vấn rộng rãi với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức nhân quyền quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và chính trẻ em.

Đối tác của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ quốc tế Thụy Sĩ Terre des Hommes đã dẫn đầu nỗ lực tham gia này, với các bên liên quan ở nhiều cấp độ, thu hút sự tham gia của nhiều trẻ em thông qua các cuộc tham vấn trực tuyến. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cung cấp thêm chuyên môn kỹ thuật và giúp thu thập ý kiến của trẻ em như một phần của quá trình tham vấn.

Khuyến nghị chung số 26 hỗ trợ giải thích cam kết của các quốc gia theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm tôn trọng, thúc đẩy và xem xét các nghĩa vụ về quyền trẻ em khi thực hiện hành động về khí hậu.

Bà Paloma Escudero, Cố vấn đặc biệt của UNICEF về Vận động Quyền Trẻ em và Hành động vì Khí hậu cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Chính phủ các nước đều có nghĩa vụ bảo vệ quyền của mọi trẻ em ở khắp nơi trên hành tinh, đặc biệt là những bé trai và bé gái sống ở những quốc gia ít gây ra vấn đề này nhất nhưng lại đang phải hứng chịu những trận lũ lụt, hạn hán, bão và nắng nóng nguy hiểm nhất”.

Công ước Liên hợp quốc về Quyền của trẻ em (UNCRC) là cơ sở cho tất cả công việc của UNICEF. Đây là tuyên bố đầy đủ nhất về quyền trẻ em từng được đưa ra và cũng là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trên thế giới - thậm chí nó được các tổ chức phi chính phủ chấp nhận, như Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA), một phong trào nổi dậy ở Nam Sudan. Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ngoại trừ Hoa Kỳ đã phê chuẩn Công ước. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 20/12/1990.

Mai Đan