TP. Huế: Hiệu quả mô hình bưởi, thanh trà “giảm nhựa”
(TN&MT) - Bưởi, thanh trà trên địa bàn xã Hương Thọ (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đạt chất lượng nhờ mô hình sử dụng túi tái chế làm từ quần áo cũ để bọc quả, thay thế cho việc sử dụng túi vải không dệt dùng nhiều nhựa của nông dân, qua đó góp phần giảm lượng nhựa thất thoát ra môi trường.
Bưởi và đặc biệt thanh trà là một trong những loại cây ăn quả nổi tiếng, chất lượng thơm ngon ở Cố đô Huế, được trồng ở nhiều nơi.
Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm bưởi, thanh trà đáp ứng nhu cầu ngày cao của người tiêu dùng, trong đó cung ứng cho thị trường loại trái cây đặc sản an toàn vệ sinh thực phẩm, nhóm nông nhân xã Hương Thọ (TP. Huế) đã triển khai thành công mô hình tái sử dụng quần áo cũ làm túi bọc phòng chống sâu bệnh cho quả bưởi, thanh trà.
Đây là mô hình được Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam tài trợ) phối hợp với Hội Nông dân TP. Huế thực hiện, thay thế cho việc sử dụng các loại túi vải không dệt chứa nhiều chất nhựa, nhằm giảm lượng rác nhựa thoát ra môi trường trong quá trình sản xuất.
Sau một thời gian triển khai, nông dân ở xã Hương Thọ nhận được kết quả tích cực. Quả bưởi, thanh trà khi được bọc bằng túi vải cho ra chất lượng quả tốt với vỏ bọc sáng bóng và không bị sâu bệnh.
“Công dụng của túi vải hiệu quả hơn các túi bọc khác. Túi vải có thời gian sử dụng lâu hơn, làm mát cho quả, hạn chế côn trùng và cho ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng, có giá thành cao hơn”, ông Võ Thành Lự (trú tại thông Liên Bằng, xã Hương Thọ) chia sẻ.
Nhận thấy được hiệu quả cao từ việc tái sử dụng quần áo cũ làm vỏ bọc quả, Hội Nông dân xã Hương Thọ đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân trên địa bàn xã có trồng cây bưởi, thanh trà tiếp tục thực hiện mô hình này.
Ông Lê Văn Chúng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thọ cho hay, Hương Thọ là vùng gò đồi, nông thôn nên nguồn nguyên liệu để sản xuất túi vải còn gặp nhiều khó khăn. Hội Nông dân TP. Huế đã có công văn đề nghị Hội Nông dân các phường, xã trực thuộc thu gom quần áo cũ để hỗ trợ tối đa cho xã Hương Thọ thực hiện dự án này. Đến nay, Hội Nông dân TP. Huế đã thu gom được hơn 3.000 vải áo bàn giao cho Hội Nông dân xã Hương Thọ để tiếp tục thực hiện dự án.
“Việc tái sử dụng quần áo cũ làm túi bọc quả bưởi, thanh trà theo hướng sinh học nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất loại quả này theo phương pháp hữu cơ, an toàn và bền vững. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và bảo vệ sức khỏe người dân. Mặt khác, việc này cũng cũng góp phần bảo vệ môi trường”, ông Chung nói.
Đại diện WWF tại Thừa Thiên – Huế cho biết, đang tìm kiếm những người tình nguyện hỗ trợ cắt, may các túi vải bọc thanh trà, bưởi từ áo cũ, với mong muốn sẽ tiếp tục duy trì dự án, góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong quá trình trồng trọt của người nông dân.
Được biết, trong thời gian qua tại TP. Huế, nhiều mô hình, cách làm hay đã được nông dân trên địa bàn áp dụng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được các cấp Hội Nông dân quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt. Nhờ đó, đến hết năm 2022, số hộ nghèo thoát nghèo trên toàn TP. Huế đạt 209 %, vượt hơn gấp 2 lần chỉ tiêu cấp tỉnh giao trong năm (331 hộ). Số hộ nghèo rà soát cuối năm 2022 là 1.391 hộ (chiếm tỷ lệ 1,07 %), giảm 692 hộ.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2023 TP. Huế phấn đấu giảm 338 hộ nghèo (tương đương 0,26%), tỷ lệ hộ nghèo cuối năm dự kiến giảm từ 1,34% xuống còn 1,06%.