Môi trường

Doanh nghiệp Việt chủ động trước Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Khánh Ly 29/08/2023 - 11:11

(TN&MT) - Việc doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo và đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ giúp các cơ quan đàm phán quốc gia tự tin đề ra các mục tiêu giảm nhựa cao hơn, đồng thời, tăng hiệu quả cho quá trình thực thi Thỏa thuận sau này.

Đó là nhận định từ các đại biểu tham dự Tọa đàm với chủ đề “Đóng góp của doanh nghiệp đối với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa”, do Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) tổ chức ngày 28/8, tại Hà Nội.

anh-4(1).jpg
Các khách mời thảo luận tại Tọa đàm với chủ đề “Đóng góp của doanh nghiệp đối với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa”

Doanh nghiệp chủ động đưa ra giải pháp

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đề xuất, nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa. Sau hai phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023, Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11/2023 tại Nairobi, Kenya. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tiếp tục nhằm nỗ lực thông qua Thỏa thuận vào cuối năm 2024.

Theo NPAP, doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, do đó, có liên quan đến rác thải nhựa phát sinh trên toàn cầu. Các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên môn để phát triển các công nghệ mới, vật liệu thay thế có thể làm giảm việc sử dụng nhựa hoặc làm cho nhựa bền vững hơn với môi trường. Khi các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo và đàm phán, nội dung Thỏa thuận sẽ có tính thiết thực và khả thi để các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện.

anh-3(1).jpg
Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của gần 60 đại biểu

Chia sẻ về vai trò của khối doanh nghiệp trong Thỏa thuận, bà Tove Andersen, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của TOMRA - một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thu gom tái chế chất thải – cho rằng, doanh nghiệp cần trở thành 1 phần của giải pháp và đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là giúp cơ quan hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin để có thể đề xuất các mục tiêu cao hơn khi tham gia đàm phán Thỏa thuận.

Các doanh nghiệp có kinh nghiệm về phân loại, thu gom rác thải và tạo ra chuỗi giá trị phù hợp nhất cho vòng đời của nhựa tại các quốc gia. Sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp đưa ra các đề xuất và giải pháp, cùng thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và quá trình đàm phán tiến tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Ở Việt Nam, trong quá trình thu gom, tái chế rác thải nhựa từ lâu đã có sự tham gia tích cực của khu vực phi chính thức (những người buôn bán đồng nát, ve chai). Vì vậy, việc thí điểm các giải pháp chấm dứt ô nhiễm nhựa cần có sự tham gia của những người làm công việc này.

Chia sẻ thực tiễn doanh nghiệp ngành nhựa tại Việt Nam, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa việt Nam cho biết, Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90%. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đều đã ý thức được việc giảm sử dụng nhựa và tiến tới cấm nhựa dùng 1 lần là bảo vệ môi trường, và cũng đã có sự chuẩn bị cho thời điểm quy định về EPR có hiệu lực từ năm 2024 trở đi. Doanh nghiệp sản xuất đã nghiên cứu cho ra sản phẩm nhựa mỏng hơn nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Một số tổ chức, đơn vị cũng đã đứng ra sắp xếp lại hoạt động thu gom, tái chế của khu vực phi chính thức (đồng nát, ve chai). Các doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang nghiên cứu loại nhựa sinh học sản xuất từ phế, phụ phẩm nông nghiệp như lá dứa, vỏ trấu, bã mía, vỏ chuối...

anh-2(1).jpg
Quang cảnh Tọa đàm

Theo bà Mỹ, cơ quan quản lý cần có những cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp tái chế có đầu ra cho sản phẩm. Nguồn thu từ EPR có thể được dùng để thiết lập các cơ sở tái chế tại các địa phương, khu vực chưa mạnh về tái chế.

Thực tế, ngành tái chế nhựa ở Việt Nam không mới, nhưng sản phẩm tái chế có chất lượng thấp và không thể đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp sản xuất bao bì đóng gói hàng hóa xuất đi châu Âu có khi phải tuần thủ quy định pha hạt nhựa tái chế với tỷ lệ 50%, và hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài. EPR yêu cầu doanh nghiệp tái chế phải đổi mới mạnh mẽ, nhưng để họ tự lớn mạnh cần rất nhiều thời gian. Bà Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất nhựa lớn hoàn toàn có đủ tiềm lực để đầu tư dây chuyền nhựa tái chế, nhưng quy định pháp luật hiện nay còn rườm rà và chưa tạo động lực để họ tham gia vào lĩnh vực này.

Cơ sở để nâng cao mục tiêu quốc gia

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) nhận định, các doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhựa đã ý thức rõ ràng về tác động của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đến công việc kinh doanh, sản xuất và thương mại. Họ đã chuẩn bị cho những quy định liên quan đến trách nhiệm, giải pháp công nghệ, thay thế vật liệu, để khi Thỏa thuận được thông qua thì doanh nghiệp sẽ không bị động và tự tin thực thi.

anh-1(1).jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) chia sẻ tại Tọa đàm

Đồng tình với quan điểm của bà Tove Andersen, ông Tuấn cho rằng, mục tiêu Chính phủ đặt ra có phù hợp, khả thi hay không sẽ dựa trên sự tham gia của doanh nghiệp. Đại diện cơ quan chủ trì đàm phán, Bộ TN&MT kỳ vọng, trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp nhựa sẽ có khuyến nghị về những phần nào doanh nghiệp đã sẵn sàng, phần nào cần cố gắng, phần nào cần hỗ trợ của quốc tế, phần nào Việt Nam có thể tham gia, cam kết được ngay.

Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ TN&MT, Chương trình NPAP sẵn sàng tiếp nhận các khuyến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp. Các ý kiến sẽ đóng góp xây dựng phương án đàm phán khả thi nhất, thể hiện trách nhiệm và phản ánh đúng nguyện vọng của doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện Việt Nam nỗ lực tham gia Thỏa thuận toàn cầu với cả những giải pháp chung và giải pháp mang tính đặc trưng địa phương đóng góp cho toàn cầu.

Chia sẻ về việc xây dựng Liên minh doanh nghiệp tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, bà Thais Vojvodic, Quản lý Chương trình Nhựa, Quỹ Ellen MacArthur cho rằng, việc tập hợp các doanh nghiệp và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp là rất cần thiết, nhằm đặt ra tầm nhìn về thị trường trong giảm rác thải nhựa, cam kết của doanh nghiệp, hỗ trợ kế hoạch thực hiện các khoản đầu tư, thúc đẩy minh bạch trong quản lý chuỗi giá trị nhựa.

Hiện nay, Liên minh đang xây dựng các nhóm vận động chính sách doanh nghiệp, với sự tham gia của cả các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính. Doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tham gia Liên minh có thể liên hệ và lựa chọn các hoạt động phù hợp, xây dựng các nhóm nhỏ hơn trong mạng lưới và gửi đi thông điệp của mình - bà Thais Vojvodic cho biết.

anh-5(1).jpg
Đại diện Đại sứ quán Na uy, Phó Đại sứ Mette Monglestue chia sẻ tại Tọa đàm

Đại diện Đại sứ quán Na uy, Phó Đại sứ Mette Monglestue cho rằng, Việt Nam hiện tại đã có yêu cầu chính sách nhất định về EPR nhưng vẫn cần phải đặt mục tiêu giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa coa hơn nữa, và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Na Uy sẽ hỗ trợ Việt Nam rà soát các yêu cầu, quy định của EPR, cùng với huy động sự tham gia của khối phi chính thức (đồng nát, ve chai) trong mục tiêu giảm mức phát thải nhựa khoảng 20% vào năm 2030.

Khánh Ly