Khoáng sản

Đắk Lắk: Khai thác khoáng sản gắn với phát triển kinh tế

Phạm Hoài 29/08/2023 - 08:59

(TN&MT) - Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như cát, đá, sỏi, đất…

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác khoáng sản trái phép thường xuyên diễn ra. Nguyên nhân do vướng nhiều quy hoạch chưa cụ thể dẫn đến việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk có những kiến nghị cũng như tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xử lý để việc khai thác khoáng sản phải phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương.

Kiến nghị gỡ vướng trong quy hoạch mỏ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000km2, rộng thứ 2 Tây Nguyên và đứng 4 cả nước. Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, thuận lợi cho việc sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Vật liệu Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), ở Đắk Lắk hiện nay mới chỉ sản xuất được 7 chủng loại vật liệu xây dựng, bao gồm: Khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu lợp, khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát xây dựng và sản xuất bê tông. Hầu hết các vật liệu xây dựng khác đều phải nhập về từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và một số địa phương khác.

22.jpg
Công tác quản lý, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép đang được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh

Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển các mỏ khoáng sản như cát, đá xây dựng, mỏ đất đắp thiếu đồng bộ và quy mô nhỏ… Điều này dẫn tới tình trạng thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm của Đắk Lắk thiếu vật liệu cơ bản, nổi cộm là đất đắp và san lấp mặt bằng. Do đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ cho cơ chế đặc thù, cụ thể đối với các mỏ vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc, không cấp phép mà đưa vào trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng, sau đó làm các thủ tục liên quan để tiến hành khai thác. Ngoài ra, cần sớm có quy hoạch dài hạn về sản xuất vật liệu xây dựng. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để xây dựng các nhà máy gạch tuynel, xi măng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, hiện tại, ngoài các mỏ cát đã được cấp phép thì có nhiều khu vực đang được xem xét và thực hiện quy hoạch theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ một số chính sách đặc thù để tỉnh Đắk Lắk thực hiện quy hoạch và cấp phép các mỏ khoáng sản phục vụ cho các công trình trọng điểm mang tính chiến lược về phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; tăng cường công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch cho giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó, Sở TN&MT tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quy định theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phù hợp với thực tiễn trong quá trình quản lý trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác thu hút đầu tư.

Bên cạch đó, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk tăng cường kiểm tra giám sát và yêu cầu các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê, thống kê trữ lượng sau khai thác hằng năm tại các dự án khai thác khoáng sản; đặc biệt là khai thác cát lòng sông, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các mỏ khai thác khoáng sản; nhất là các mỏ khai thác cát, sỏi về công tác chấp hành pháp luật khoáng sản trong quá trình hoạt động khai thác để kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk rà soát công tác ký quỹ, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đảm bảo phù hợp theo quy định; kiểm tra, yêu cầu các mỏ khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm công tác cải tạo phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt... Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về quản lý cát, sỏi lòng sông nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng, hồ thủy lợi, thủy điện để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý...

Phạm Hoài