Hà Tĩnh nuôi trồng thủy sản thích ứng BĐKH: Nhân rộng vùng nuôi tôm ba giai đoạn
(TN&MT) - Nắng nóng kéo dài, mưa bão, lũ lụt thường xuyên xảy ra ở Hà Tĩnh khiến cho việc nuôi trồng thủy sản dễ gặp nhiều rủi ro. Trước tình hình đó, người nuôi đã tìm kiếm các giải pháp thích ứng với biến đổi của thời tiết để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng
Tại Hà Tĩnh, trong năm 2020, toàn tỉnh có hơn 3.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động của thời tiết, dịch bệnh. Những năm gần đây, hiện tượng nắng nóng kéo dài, quá sức chịu đựng của vật nuôi đã làm môi trường nước bị xấu đi, các loài thủy sản nuôi thường xuyên mắc bệnh.
Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được nông dân nuôi tôm tại Hà Tĩnh áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi tôm ba giai đoạn không chỉ giúp nông dân quản lý, kiểm soát tốt quá trình phát triển của tôm mà còn giảm thiểu rủi ro, góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân theo hướng bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Đỉnh - Một trong những hộ nuôi tôm ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chia sẻ về mô hình nuôi tôm ba giai đoạn: Giai đoạn một: ương dưỡng khoảng 20 - 25 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm khoảng 40 ngày và giai đoạn cuối cùng là thả tôm ra ao lớn chờ thu hoạch. Ứng dụng mô hình này giúp giảm được rủi ro về tác động của môi trường, nhiệt độ lên xuống trong ngày”.
Có gần 2ha mặt nước ao nuôi, gia đình anh Đỉnh thiết kế hệ thống các bể ương dưỡng trong nhà có mái che (mái che bằng lưới đen hoặc xanh); hệ thống ao nuôi giai đoạn 2, 3; hệ thống xử lý nước đầu vào, hệ thống xử lý chất thải/nước thải. Cách bố trí này giúp anh Đỉnh dễ dàng hơn trong quản lý môi trường nước, thức ăn và theo dõi chặt quá trình phát triển của tôm.
Theo anh Đỉnh, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn giúp tôm được tiếp cận môi trường nước sạch hơn, hạn chế ô nhiễm dưới tầng đáy, tôm đạt đầu con và kích cỡ tôm tăng hơn, tỷ lệ sống của tôm đạt từ 80 - 90%. Mặt khác, quá trình nuôi chỉ sử dụng men vi sinh không dùng hóa chất và kháng sinh nên không tác động mạnh đến các yếu tố môi trường và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, Cẩm Xuyên là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Ngoài các mô hình nuôi tôm như: mô hình đạt chứng nhận VietGAP, mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm… hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 hộ/cơ sở nuôi có bể ương gièo với số lượng trên 60 bể, thể tích trên 20 ngàn mét khối đáp ứng điều kiện cho mô hình nuôi tôm ba giai đoạn.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Thực tế hiện nay, hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo các chuyên gia, nước thải từ hoạt động nôi trồng thủy sản chứa một lượng lớn chất hữu cơ, bùn thải, các chất tồn dư như hóa chất, thuốc kháng sinh, vôi lắng đọng.
Ngoài ra, công tác đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cơ sở còn hạn chế, nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các địa phương còn thiếu và yếu. Theo thống kê, tại Hà Tĩnh, mới chỉ có khoảng 25% vùng nuôi trồng được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, khiến cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, người nuôi trồng cần chủ động áp dụng các công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Song song với đó, cần có tư duy và hành động nuôi trồng thủy sản hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là "bức tường thành" vững chãi góp phần ứng phó BĐKH.
Hà Tĩnh có gần 630ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao (tăng gần 30ha so với năm 2021), góp phần tận dụng tiềm năng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích cho người dân.
Thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh
Hiện có khá nhiều vùng nuôi tôm thâm canh, thâm canh công nghệ cao trên cát tại các huyện ven biển và thành phố Hà Tĩnh đang tích cực học tập nhân rộng mô hình hiệu quả trên. Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 40 hộ/cơ sở nuôi có bể ương dưỡng (có mái che trong nhà) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90 ngàn mét khối đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến khích các địa phương tiếp tục tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nhân rộng mô hình trên. Qua đó, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến sản xuất bền vững.