Môi trường

TP.Hồ Chí Minh: Dùng công nghệ giám sát hành vi xả rác

Nguyễn Quỳnh 29/08/2023 - 08:57

(TN&MT) - Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, TP.HCM sẽ tăng cường sử dụng các phần mềm công nghệ để tiếp nhận, giám sát, xử lý các hành vi xả rác không đúng quy định.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa phối hợp Sở TN&MT, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 - 2025.

Xóa hơn 500 điểm ô nhiễm rác thải

Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố cho biết, triển khai Cuộc vận động nhiều ý nghĩa trên, toàn thành phố đã có 312/312 phường - xã - thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân, đạt tỷ lệ 100%; công tác vận động hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch đạt tỷ lệ 98,21%; đã tiếp nhận và giải quyết ý kiến phản ánh người dân liên quan đến lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị đạt 99%.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến tháng 5/2023, TP.HCM đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, trong đó chuyển hóa được 198 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng (công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…).

6.jpg
Người dân có thể chụp hành vi đổ rác không đúng quy định và gửi về UBND phường bằng ứng dụng Grac trên điện thoại thông minh

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức thông tin, thời gian qua, TP.Thủ Đức đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, công viên, vui chơi giải trí công cộng, cũng như trồng thêm nhiều cây xanh... Qua kiểm tra, giám sát, đến nay trên địa bàn có 140 điểm ô nhiễm về rác thải đã được UBND các phường và các đoàn thể ra quân xử lý sạch, trong đó chuyển hóa 77 điểm ô nhiễm thành các công viên, vườn rau, khu vui chơi cho người dân.

Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM khẳng định: Cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" đã nhận được sự đồng thuận trong các giới, tầng lớp nhân dân, cơ sở tôn giáo trên địa bàn, góp phần thay đổi hành vi, thói quen, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Qua đó, giúp cho TP.HCM ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin xử lý vi phạm

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, địa phương này đã sử dụng thiết bị flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn; đồng thời sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh rác thải để dễ dàng quản lý và chỉ đạo xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac cho biết, từ năm 2020, nhiều địa phương của TP.HCM đã sử dụng ứng dụng Grac như một giải pháp giảm thiểu tình trạng đổ trộm rác thải, đặc biệt là rác thải cồng kềnh. Theo đó, người dân hay khách du lịch khi thấy người đổ trộm rác có thể quay chụp lại hành vi vi phạm, báo cáo bằng cách đăng tải thông qua ứng dụng Grac trên điện thoại di động. Các khiếu nại này sẽ được gửi về các UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định.

Cũng theo ông Minh, ứng dụng còn giúp người dân liên hệ trực tiếp với người thu gom rác tại nơi phát sinh chất thải qua số điện thoại di động. Người dân cũng có quyền gửi phản ánh, khiếu nại về thời gian thu gom, tần suất thu gom, loại rác thu gom…

Hiện, ứng dụng Grac đã được triển khai thành công tại 155 xã, phường, thị trấn tại các quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức với hơn 2,5 triệu người sử dụng. Phần mềm đang trong giai đoạn thử nghiệm tại các quận khác như 1, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Bình Tân và Phú Nhuận.

TP.HCM đặt mục tiêu cuối năm 2023 xây dựng 1.000 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp; xây dựng 22 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch - đẹp. Cuối năm 2024 xây dựng 1.500 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp. Cuối năm 2025, xây dựng 2.000 khu dân cư công nhận khu dân cư sạch - đẹp; xây dựng 50 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí sạch - đẹp.

Theo bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, thời gian tới, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần tiếp tục duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời.

Đồng thời, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Nguyễn Quỳnh