Xã hội

Hữu Lũng (Lạng Sơn): Nâng chất lượng đời sống nhân dân từ chính sách giảm nghèo

Hoàng Nghĩa 28/08/2023 - 19:01

(TN&MT) - Huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có 24 xã, thị trấn, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, những năm qua, địa phương này đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển KT-XH.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Khánh – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng.

PV: Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn huyện đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Quốc Khánh:

Những năm qua, UBND huyện Hữu Lũng luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trên quan điểm đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng Chương trình các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được ban hành, triển khai hiệu quả. Huyện đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề cơ bản, bức xúc với người nghèo.

Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

img_20230823_164430.jpg
Ông Bùi Quốc Khánh - Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

PV: Xin ông thông tin cụ thể một số kết quả nổi bật mà Hữu Lũng đã đạt được trong công tác giảm nghèo trong thời gian qua?

Ông Bùi Quốc Khánh:

Đến nay, những chỉ tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hữu Lũng đều đạt tiến độ đề ra, đảm bảo 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách về vay vốn, y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội.

Đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện trên nhiều mặt. 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú. Toàn huyện đã cấp được trên 37.000 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn.

Các chính sách hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS luôn được quan tâm một cách nghiêm túc, kịp thời, đúng đối tượng, không để sót những người thuộc diện được thụ hưởng.

Từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 327 hộ dân trên địa bàn 12 xã; xây mới và sửa chữa nhà ở cho 346 hộ nghèo. Hơn 1.000 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 73.762 triệu đồng, giúp cho nhiều hộ nghèo vay vốn làm ăn đạt hiệu quả, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

PV: Trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, theo ông, Hữu Lũng còn gặp những khó khăn, thách thức nào?

Ông Bùi Quốc Khánh:

Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, song kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm giữa các xã không đồng đều. Sinh kế của người dân vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, thiên tai khó lường gây thiệt hại nặng cho sản xuất, đời sống nhân dân.

Số hộ nghèo là người khuyết tật, già cả, neo đơn, ốm đau dài ngày... không có khả năng lao động khoảng 600 hộ nên việc tác động các giải pháp giảm nghèo cho những hộ này là không khả thi. Một bộ phận người nghèo vẫn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, mang tư tưởng tâm lý ngần ngại đăng ký thoát nghèo vì cho rằng hết nghèo là hết chính sách hỗ trợ.

screenshot_20230627_134943_facebook.jpg
Người dân Hữu Lũng đã tích cực phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống.

PV: Xin ông cho biết, thời gian tới, huyện đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, nâng đời sống nhân dân về cả chất và lượng?

Ông Bùi Quốc Khánh:

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025, Hữu Lũng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Tăng cường huy động các nguồn lực, kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp đỡ các hộ nghèo theo hướng tập trung cải thiện sinh kế cho người dân.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo về BHYT, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt… góp phần giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

20200822_150125.jpg
Một góc thị trấn Hữu Lũng (Hữu Lũng, Lạng Sơn).

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Hữu Lũng được thực hiện đồng bộ gắn với chương trình xây dựng NTM. Chú trọng lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội. Đến hết năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn 2.265 hộ, tỷ lệ 7,3%; 1.644 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,3%. Mục tiêu đến cuối năm 2023, huyện còn 1.333 hộ nghèo, tỷ lệ 4,29%.

Hoàng Nghĩa