Xã hội

Ba Bể (Bắc Kạn): Làm giàu từ đặc sản quê hương

Hoàng Hiền 28/08/2023 - 18:59

(TN&MT) - Vốn là xã vùng cao thuộc huyện miền núi, Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có diện tích chủ yếu là đất lâm nghiệp, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, núi, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, thế nhưng giờ đây, đời sống của người dân xã Khang Ninh đã thay đổi. Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, thoát nghèo nhờ vào sản phẩm chuối sấy dẻo - đặc sản của địa phương.

Áp dụng công nghệ vào chế biến nông sản

Được biết đến là hợp tác xã (HTX) chuyên về các mặt hàng nông sản sấy khô, HTX Hoàng Huynh ở thôn Nà Kiêng, xã Khang Ninh đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận như: thịt trâu sấy, hồng không hạt sấy, trà búp giảo cổ lam...

chuoi-say-deo-bang-cong-nghe-lo-say-dien-hien-dai-tai-htx-hoang-huynh.jpg
Công nghệ sấy chuối bằng lò điện tại HTX Hoàng Huynh

Riêng đối với chuối sấy dẻo, nhờ áp dụng kỹ thuật và kinh nghiệm chế biến lâu năm mà sản phẩm có chất lượng cao, trở thành mặt hàng chủ lực của đơn vị, đem lại giá trị kinh tế ở địa phương.

Để có được thành quả đó, anh Hoàng Văn Huynh - Giám đốc HTX Hoàng Huynh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, nghiên cứu quy trình chế biến nông sản cho sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao. Năm 2018, sau thành công của kỹ thuật sấy hồng không hạt - cây trồng bản địa chỉ có ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, anh Hoàng Văn Huynh áp dụng để chế biến chuối sấy khô, sấy dẻo.

anh-huynh.jpg

Anh Hoàng Văn Vinh là 1 trong 2 nông dân của tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2022.

Giải pháp sấy chuối bằng lò sấy điện đã thay thế kiểu sấy truyền thống mang tính manh mún, nhỏ lẻ và không đảm bảo an toàn vệ sinh. Theo cách sấy truyền thống của bà con dân tộc Tày - đồng bào sinh sống chủ yếu tại khu vực, chuối chín sẽ được bóc vỏ, đem phơi nắng hoặc treo gác bếp để ủ lên men đường (cuổi lạp). Còn theo cách làm mới, khi chuối tươi đạt độ chín vừa thì đem sơ chế rồi ngâm để giảm độ chát, sau đó để ráo rồi đưa vào máy sấy. Thông thường mỗi mẻ được sấy trong khoảng 30 - 40 giờ. Trong thời gian đó, cần có quãng nghỉ giúp chuối khô thật kỹ từ bên trong, đồng thời căn chỉnh nhiệt độ từng giai đoạn sao cho phù hợp. Tất cả mọi công đoạn hoàn toàn không sử dụng bất cứ một loại hóa chất phụ gia nào mà chỉ dựa vào kỹ thuật để làm ra sản phẩm chuối sấy dẻo thơm ngon, đẹp mắt.

Nông sản sấy khô không phải là hướng đi mới, tuy nhiên để có kết quả khả quan như trên, việc đầu tư cho công nghệ là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của HTX. Theo anh Huynh, việc đầu tư máy sấy công nghiệp hiện đại với quy trình sấy hoàn toàn tự động và khép kín bằng điện nên hạn chế việc dùng củi, trấu sấy như phương pháp truyền thống. Hệ thống sấy dạng tháp kiểu tuần hoàn cho phép tiết kiệm diện tích lắp đặt, tốc độ sấy nhanh, bảo đảm chất lượng và độ đồng đều sản phẩm đầu ra.

chuoi-cuoi-lap-bac-kan-viet-nam-kynghidongduong.vn.jpg
Sản phẩm chuối cuổi lạp của HTX Hoàng Huynh

Quy trình sấy nông sản của HTX không chỉ hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức, sản phẩm sau khi sấy bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cao, tỷ lệ hao hụt thấp và đặc biệt là giữ nguyên được màu sắc đặc trưng của từng loại.

Sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường

Do hương vị thơm ngon, mẫu mã bắt mắt và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nên sản phẩm chuối sấy của HTX Hoàng Huynh nhanh chóng được thị trường đón nhận. Từ thành công của sản phẩm chuối sấy dẻo, hằng năm, Hợp tác xã Hoàng Huynh đã tiêu thụ hơn 90 tấn chuối tây cho 35 hộ trên địa bàn xã. Doanh thu từ chế biến chuối sấy dẻo cảu HTX hằng năm đạt hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Ngoài ra, HTX còn liên kết, thu mua sản phẩm chuối tươi với mức giá ổn định cho nhiều hộ dân.

“Trước đây, một số loại nông sản như rau củ quả không có đầu ra thuận lợi, người dân thường vứt bỏ dọc đường, quanh kênh, suối rất phí, lại ô nhiễm môi trường. Với việc đầu tư máy sấy, HTX không chỉ giải quyết được nguồn nông sản của 8 hộ thành viên mà còn giúp nhiều hộ ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp”, anh Hoàng Văn Huynh cho biết.

“Để sản phẩm chuối sấy dẻo được người tiêu dùng đón nhận, đòi hỏi người làm phải có đam mê, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Điều vui nhất đối với tôi là đã tạo được việc làm, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương".

Anh Hoàng Văn Huynh - Giám đốc HTX Hoàng Huynh

Chuối đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nhiều nông hộ tại xã Khang Ninh. Mạnh dạn lựa chọn trồng cây chuối, đến nay, nhiều hộ gia đình đã thu về từ 60 - 80 triệu đồng mỗi năm. Theo các hộ trồng chuối, mỗi gốc chuối tây cho thu hoạch 1 buồng trung bình 15 - 20kg, buồng lớn 30kg, với giá bán từ 3.000 - 6.000 đồng/kg thì mỗi buồng chuối cũng được trên dưới một trăm nghìn đồng. So với cây ngô, hay cây lúa, cây chuối tây cho thu nhập cao hơn từ 3 - 4 lần. Quan trọng hơn, chuối không cần phải trồng ở đất ruộng hay đất vườn, cây trồng này có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở đất đồi, một lợi thế rất lớn với người dân vùng cao như Bắc Kạn.

gian-hang-cua-htx-hoang-huynh-gioi-thieu-san-pham-toi-thi-truong.jpg
Gian hàng của HTX Hoàng Huynh giới thiệu sản phẩm tới thị trường

Để phát triển thị trường, HTX chọn tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, từ đó, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị trường từ chất lượng, hương vị cho đến bao bì, quy cách đóng gói. Đặc biệt, Ban Giám đốc HTX thường xuyên đến trực tiếp các điểm phân phối, các siêu thị để tìm cách kết nối, giới thiệu sản phẩm mẫu, báo giá… Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ, sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để phát triển thị trường cũng được HTX áp dụng. Hiện, HTX còn duy trì một cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh để bán và giới thiệu các mặt hàng nông sản do HTX làm ra. Đồng thời, HTX cũng chủ động làm việc với các thôn để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu tại chỗ.

Hoàng Hiền