Xã hội

Phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Thuỵ Khanh 28/08/2023 - 18:59

(TN&MT) - Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Cao Bằng đã triển khai các Chương trình hành động thực hiện nội dung bảo vệ rừng bền vững, đột phá về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, giúp thúc đẩy sinh kế của người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cụ thể, sau 3 năm triển khai các nhiệm vụ và thực hiện các Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND; Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Cao Bằng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt được hiệu quả.

trong-que-1642825647.jpeg
Người dân thực hiện trồng cây Quế trong phát triển lâm nghiệp

Thông qua công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện hướng dẫn người dân quan tâm chăm sóc, thu hoạch cây trồng đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển, cho năng suất cao; Rà soát, dự báo tình hình sâu bệnh để xây dựng những phương án đối phó kịp thời. Rà soát diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn; Khuyến khích người dân trồng rừng có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân và các doanh nghiệp phát triển tăng diện tích các cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế, phát triển thành các vùng trồng có quy mô lớn.

Nhờ chỉ đạo tích cực, một số cây trồng đã được trồng mới với diện tích lớn, hiệu quả cao như: Cây Hồi, trồng mới được 1.282ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 7.516,9ha; Cây Quế, trồng mới được 2.719,09ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 5.183,33ha; Cây Mắc ca, trồng mới được 76,16ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 134,56ha; Cây Trúc sáo, trồng mới được 87,2ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.354,19ha, hiện tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Cao Bằng đạt 56%.

Về đột phá trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, UBND tỉnh Cao Bằng cùng Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện định hướng vùng trồng và mở rộng diện tích một số cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, trong đó: Cây Thuốc lá trồng mới được 815,1ha, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.767,3ha, năng suất ước đạt 25,9 tạ/ha, sản lượng đạt 9.757,3 tấn; Cây Thạch đen mở rộng diện tích được 157,7ha, nâng tổng diện tích lên 544,1ha, năng suất ước đạt 55,3 tạ/ha, sản lượng 3.008,8 tấn; Cây Lê trồng mới được 150ha, nâng tổng diện tích cây Lê lên 484,3ha; Cây Dẻ trồng mới được 159,4ha, nâng tổng diện tích cây Dẻ lên 711,5ha. Ngoài ra, định hướng phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như Gừng trâu 178,1ha tại các huyện Hà Quảng, Hạ Lang, Quảng Hòa; Khoai tây 87,6ha tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An...

Kết quả toàn tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp trung bình đạt trên 3%/năm, góp phần là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2023 với giá trị sản xuất trồng trọt, thủy sản đến năm 2023 ước đạt 46 triệu/ha đem lại thu nhập ổn định hơn cho người dân với hiệu suất kinh tế của các cây trồng lâm nghiệp tăng cao; Đối với các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã được xử lý, phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Cao Bằng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như việc trồng mới rừng tập trung vẫn chưa đảm bảo, còn chậm tiến độ; Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện triệt để và chưa đi vào thực tế sâu rộng; Tình hình sản xuất vẫn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, cùng các kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ tiên tiến chưa được áp dụng, đẩy mạnh,… Điều này gây cản trở mục tiêu xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia trên toàn tỉnh, đặc biệt khó khăn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng.

trongrung-572.jpeg
Phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững cho người dân tộc thiểu số

Do đó, nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện và tuyên truyền tới nhân dân các chính sách của Nhà nước nhằm bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể: Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ như sau: Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.

Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ: Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình được Nhà nước cấp kinh phí theo thiết kế - dự toán để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng một số giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, cho nhân dân theo cách cơ cấu lại đất đai, sản xuất của các nông, lâm trường; Hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư; Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy và hủy hoại đất rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt chú trọng về đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn.


Thuỵ Khanh