Kinh tế

Huyện Hương Khê- Hà Tĩnh: Giảm ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi quy mô tập trung

Đức Cảnh 28/08/2023 - 17:52

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã phát triển chăn nuôi và đạt được hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời nhân rộng những mô hình chăn nuôi có lượng chất thải ít, giảm tác động ô nhiễm môi trường.

Từ lợi thế ngành chăn nuôi

Những năm trước, người dân trên địa bàn huyện Hương Khê chăn nuôi bằng phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao, còn nhiều khó khăn, bất cập. Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, huyện Hương Khê đã chủ động khuyến khích người dân mở rộng quy mô, đưa con giống có chất lượng tốt vào sử dụng.

Với cách làm năng động, từ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phân tán, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các trang trại quy mô vừa và lớn. Để đưa chăn nuôi thành kinh tế mũi nhọn, Hương Khê còn tập trung tuyên truyền khuyến khích bà con chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung.

anh-1.jpg
Mô hình chăn nuôi dê đang được khuyến khích phát triển tại huyện Hương Khê

Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi bằng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo được “tiếp sức”, tạo cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo...Được biết, tính từ 2015 đến nay, toàn huyện Hương Khê đã có trên hàng ngàn hộ được vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, cho hay: “Nhờ các chương trình vay vốn tín dụng, những năm qua hàng trăm người dân tại xã đã và đang được tạo điều kiện, “trợ lực” để kinh tế của bà con ngày càng phát triển. Từ đó, tăng tỷ lệ xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

anh-2.jpg
Chăn nuôi gà liên kết đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi do có lợi thế lượng chất thải ít

Từ chăn nuôi nhỏ lẽ đang chuyển dần sang trang trại quy mô lớn và vừa, liên kết với doanh nghiệp theo hướng bền vững. Đến nay, tổng đàn vật nuôi ở Hương Khê đã có trên 1.400 ngàn con, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 51,1%, có nhiều trang trại chăn nuôi lợn với gần 70.000 con.

Chú trọng môi trường để đạt mục tiêu kinh tế bền vững

Với quyết tâm, ý chí và nghị lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân ở xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Hương Trà, huyện Hương Khê đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển chăn nuôi có quy mô lớn. Đáng chú ý là định hướng phát triển vật nuôi có lượng chất thải thấp để hướng đến bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đã gần 20 năm kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại, ông Nguyễn Văn Sửu, thôn Tiền Phong, xã Hương Trà hiện sở hữu 8 ha trang trại tổng hợp. Trong đó chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, như: Bò lai 3B, lợn, gà, hươu, nai cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Được biết, nhờ hướng đi đúng, trang trại mang về doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho năm lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sửu, thôn Tiền Phong, xã Hương Trà chia sẽ “Trong phát triển chăn nuôi để ổn định về hiệu quả kinh tế, gia đình tôi chú trọng khâu liên kết, thứ hai là phải đa dạng các loại vật nuôi để hỗ trợ cho nhau, vừa tránh rủi ro, thứ ba là phải đảm bảo về môi trường. ”

Còn tại mô hình của gia đình anh Phan Văn Nhỏ, thôn Tây Trà, chăn nuôi gà gia công, liên kết với công ty Japfa Comfeed Việt Nam, ở tỉnh Nghệ An. Giữa năm 2021, gia đình đã đầu tư 1,3 tỷ đồng, xây dựng 1.800 m2 chuồng trại khép kín, như: máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện chiếu sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường… có quy mô chăn nuôi mỗi lứa trên 16.000 con gà.

Anh Phan Văn Nhỏ, thôn Tây Trà, xã Hương Trà khẳng định: “Chăn nuôi liên kết nên gia đình hoàn toàn yên tâm về các khâu. Công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà và hướng dẫn kỹ thuật. Gia đình chỉ đầu tư chuồng trại ban đầu, hàng ngày chăm sóc cho đàn gà ăn và phòng dịch theo hướng dẫn. Mỗi năm 3 lứa, doanh thu 200 triệu đồng/lứa; trừ chi phí nhân công, tiền điện, tiền lãi vốn vay cũng cho gia đình thu về trên 400 triệu đồng mỗi năm”

Cũng tại thôn Tây Trà, gia đình anh Phạm Quang Trung đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại mua con giống phát triển chăn nuôi dê. Bước đầu anh đã mua 54 con dê giống, sau một năm đã phát triển nhân rộng tổng đàn lên 170 con. Bước đầu cho thấy, nuôi dê cũng rất thuận lợi, ít dịch bệnh và lượng thức ăn của con dê không lớn nên đỡ tốn kém chi phí đầu tư, chăm sóc.

Nhờ mạnh dạn, đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn nên tổng đàn vật nuôi của xã Hương Trà tăng so với các năm trước. Ông Phan Thế Hòa- Chủ tịch UBND xã Hương Trà, huyện Hương Khê, cho biết: “Toàn xã có 4 mô hình chăn nuôi lợn tập trung; hai mô hình nuôi gà gia công liên kết; một mô hình nuôi dê sinh sản và nhiều mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên”

anh-3.-nuoi.jpg
Người chăn nuôi đang dần nhận thức bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn

“Tuy nhiên, nuôi lợn phát sinh lượng chất thải lớn, dễ gây tác động đến môi trường nên về lâu dài khó bền vững. Vì vậy, thời gian tới, định hướng phát triển vậy nuôi của địa phương sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi các mô hình trang trại từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà hoặc nuôi dê, hươu…có lượng phát thải thấp”, ông Nguyễn Thế Hòa nhấn mạnh.

Được biết, toàn xã Hương Trà hiện có 610 con trâu, bò; đàn lợn trên 9.000 con; trên 230 con dê, hươu và 63.000 con gia cầm; 34 ha nuôi trồng thủy sản. Tổng giá trị từ chăn nuôi đạt 21 tỷ đồng.

Với những hiệu quả từ chăn nuôi mang lại, nhân dân Hương Trà, huyện Hương Khê đang tiếp tục lựa chọn, đầu tư xây dựng và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trên địa bàn. Góp phần nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng cho người dân trên vùng quê NTM kiểu mẫu.

Đức Cảnh