Quản lý, sử dụng đất ở Tiền Giang: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai luôn được tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Để góp phần phát triển bền vững, Tiền Giang đã phát huy tối đa các nguồn lực đất đai, tập trung quản lý và sử dụng đất hiệu quả và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đảm bảo quyền của người sử dụng đất
Thông tin từ Sở TN&MT Tiền Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở; đặc biệt là cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh như xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng và chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đất đai.
Cạnh đó, xây dựng đề án quản lý đất công để phục vụ cho công tác quản lý chặt chẽ đất đai và phục vụ cho việc kêu gọi đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xây dựng hệ thống kiểm kê, thống kê đất đai được tự động hóa dựa trên hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được cập nhật chỉnh lý thường xuyên, đầy đủ, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê, kiểm kê nhanh chóng và chính xác.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất với vai trò công cụ quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai hợp lý, quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Chia sẻ về tính hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn trong thời gian qua, ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang cho hay, một trong những điểm nổi bật đó là thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ và tích cực trong quy định rõ các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai; quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các quyền của người sử dụng đất được Nhà nước bảo đảm, minh bạch trong công tác giao đất, cho thuê đất tạo sự cạnh tranh công bằng trong quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi trong mời gọi đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đưa đất vào sử dụng hiệu quả… Từ đó, đã góp phần vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy hiệu quả, lợi thế đất đai
Những năm qua, Tiền Giang đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để phát triển địa phương ngày một giàu đẹp. Trong đó, các hoạt động kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng ở mức độ cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Điều đáng ghị nhận nhất là với tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết nhiều cực đoan, thì người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã khai thác tốt lợi thế đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định đời sống dân sinh.
Cụ thể như, huyện Gò Công Đông là địa phương nằm ở cuối nguồn và giáp biển. Mỗi khi mùa khô hạn đến, các ruộng lúa đều giảm năng suất do thiếu nước ngọt, thậm chí có ruộng mất trắng. Thực hiện chủ trương cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều người dân ở đây đã chủ động chuyển từ đất lúa sang trồng thanh long, rau màu và cây trồng khác cho thu nhập cao, đời sống ổn định.
Rồi chính từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được triển khai thực hiện phát huy hiệu quả, bà con nông dân ở hầu hết các địa phương thuộc vùng ven biển Tiền Giang đã tính đến việc chuyển đổi sản xuất lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu ở những diện tích thiếu nước ngọt vào mùa khô với mong muốn góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Theo thống kê, toàn vùng ngọt hóa Gò Công đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ với tổng diện tích khoảng 56.000ha; riêng với khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 cũng đã chuyển đổi khoảng 3.000ha lúa sang cây trồng khác. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, vùng này tiếp tục chuyển đổi cây trồng thêm 3.300ha; đối với khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 trong năm nay cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang Đoàn Văn Phương, là địa phương ven sông, ven biển, tỉnh đã chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn. Hơn nữa, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại Tiền Giang vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người sử dụng đất; cũng như dẫn đến việc sử dụng đất chưa đạt hiệu quả tối đa nên nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Do vậy, ông Đoàn Văn Phương cho hay, để khai thác tốt lợi thế đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và sử dụng đất cho người dân nắm và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Song song đó, tiếp tục hoàn thiện các chính sách tài chính tạo thuận lợi cho đất đai tham gia thị trường bất động sản và khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai. Bên cạnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực; đồng thời ưu tiên quỹ đất sạch nhằm phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.