Kinh tế

Hà Tĩnh: Ứng dụng công nghệ thích ứng thời tiết, phát triển sản xuất

Đức Cảnh 28/08/2023 - 17:49

Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, biến đổi thất thường nhưng người dân miền núi Hà Tĩnh không khoanh tay ngồi yên mà chủ động tìm giải pháp thích ứng, duy trì hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững.

Giải pháp “chế ngự” thời tiết

Thiên tai và các hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Đặc biệt, vào mùa khô hạn, nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, vì vậy đòi hỏi cần có sự chủ động để ứng phó, bảo vệ sản xuất.

Ở các huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, trồng chè là một phương thức sản xuất đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nó như một cách để người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu thì mô hình này cần có một giải pháp bền vững.

anh-1.-che.jpg
Những vườn chè xanh mướt ở Hương Sơn căng đầy sức sống giữa thời tiết khắc nghiệt

Những ngày qua, nhiệt độ ở tỉnh Hà Tĩnh giao động phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Nền nhiệt cao, kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh khiến cho nhiều địa bàn trong tỉnh đối mặt với nguy cơ hạn hán. Trong đó, chỉ riêng xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua với nền nhiệt cao khiến 286 ha chè đang vụ thu hoạch đối mặt với nhiều thách thức.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn hiện có 15 sào chè công nghiệp LDP2. Trước thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm, để chủ động chống hạn cho cây chè, gia đình đã đầu tư kinh phí khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel kết hợp với tưới thủ công.

anh-4.-tuoi.jpg
Người dân chủ động chống hạn cho cây chè (Ảnh: VC)

Chị Hương cho biết, nhiều năm trồng chè trên vùng đất này nhưng chưa năm nào nắng hạn kéo dài khiến chè khô héo, khó phục hồi như vậy. Nhờ chủ động được giải pháp, thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc mà 15 ha chè đang kỳ thu hoạch đã thoát được nguy cơ mất trắng.

Được biết, bình quân mỗi năm toàn bộ diện tích chè công nghiệp LDP2 của gia đình chị Hương cho thu hoạch khoảng hơn 20 tấn, trị giá trên 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế của gia đình và nuôi con cái ăn học.

Ông Phạm Duy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho hay: “Ưu điểm của việc lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel kết hợp với tưới thủ công giúp điều chỉnh lượng nước phù hợp, góp phần chống hạn hiệu quả cho cây chè đang được nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng. Mô hình này vừa giảm công sức lao động vừa đảm bảo năng suất, sản lượng chè, nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng”.

Duy trì hiệu quả sản xuất

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đồi, phong trào trồng chè liên kết giữa người dân, doanh nghiệp tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim II, Sơn Tây... ở huyện miền núi Hương Sơn phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân.

anh-5.-che.jpg
Trồng chè đang mang lại thu nhập cao cho người dân (Ảnh: HN)

“Toàn xã hiện có khoảng 800 hộ dân trồng, chăm sóc hơn 400 ha chè công nghiệp LDP2. Cây chè thực sự là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đợt cao điểm nắng nóng này, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung các biện pháp chống hạn cho cây chè. Nhờ đó, toàn bộ diện tích chè đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất khá ổn định”, ông Lê Hồng Phong- Quyền Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết.

anh-7.-che.jpg
Hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel giúp hàng trăm hec ta chè thích ứng được với thời tiết nắng nóng (Ảnh: VC)

Theo thống kê, năm 2022 sản lượng chè búp tươi tại vựa chè huyện Hương Sơn đạt hơn 4.380 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên các đồi chè ở huyện Hương Sơn đã cho năng suất ngày một cao, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn Nguyễn Hồng Sánh cho biết, 6 tháng đầu năm nay sản lượng chè búp tươi của các hộ dân trồng liên kết ước đạt 2.280 tấn, tăng 140 tấn so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ sản phẩm chè búp tươi được xí nghiệp thu mua với giá 6,7 triệu đồng/ tấn, giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế lâu dài.

“Trong thời kỳ cao điểm nắng nóng, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ tưới phun mưa Israel kết hợp với tưới thủ công tại các đồi bãi trồng chè, quyết tâm không để cây chè bị khô hạn hoặc bị chết do nắng nóng”, ông Nguyễn Hồng Sánh thông tin.

anh-3.-che.jpg
Khai thác Du lịch trải nghiệm đang là hướng đi mới đối với người dân trồng chè

Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có thể kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, nhất là cây chè vốn thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa. Song người dân huyện miền núi Hương Sơn đang có những giải pháp “chế ngự” thời tiết để đảm bảo năng suất, sản lượng chè, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Được biết, hiện cây chè không chỉ là cây “giảm nghèo, làm giàu” đối với vùng miền núi Hương Sơn mà còn thành sản phẩm du lịch trải nghiệm lý thú. Những đồi chè xanh bạt ngàn, hút mắt cùng nhiều cảnh quan kỳ thú sẽ được các cấp chính quyền tính đến để đưa vào khai thác hút khách du lịch, góp phần duy trì và tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850 ha chè trồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Riêng tại vựa chè huyện Hương Sơn, năm 2022 sản lượng chè búp tươi đạt hơn 4.380 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng góp phần xóa đói, giảm nghèo .

Đức Cảnh