Biển đảo

Kiểm tra, giám sát Dự án giảm rác thải nhựa tại Côn Đảo

Minh Thư 25/08/2023 17:26

(TN&MT) - Sáng 25/8, Đoàn công tác của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) đã có buổi làm việc với Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo về kết quả triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Côn Đảo.

Tới dự có Bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo cùng đại diện WWF Việt Nam và các ban, ngành của huyện.

ba-pham-thu-hang.jpg
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo phát biểu

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là ‘Dự án’) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ thông qua tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường (giao Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan chủ quản Dự án phía Việt Nam), WWF-Việt Nam hợp tác với UBND huyện Côn Đảo để triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và hạn chế thất thoát rác thải nhựa nói riêng trên địa bàn huyện, hướng tới mục tiêu “Côn Đảo – Điểm đến Giảm nhựa”.

Báo cáo hoạt động quản lý rác thải nhựa trên địa bàn, ông Huỳnh Trung Sơn cho biết, trước khi thực hiện dự án, ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Côn Đảo năm 2020 khoảng gần 4.000 tấn, trong đó có 634 tấn rác thải nhựa (RTN), chiếm 15,86% (WWF-Việt Nam, 2021). Theo đó, trung bình mỗi người dân Côn Đảo phát thải gần 65kg RTN mỗi năm.

Các nguồn phát sinh RTN chính theo thứ tự từ cao đến thấp là: (1) Hộ gia đình (42,7%), (2) Khách sạn (33,3%), (3) Nhà hàng (8,2%), (4) Chợ dân sinh (6,4%), (5) Nơi công cộng (6,4%), (6) Cảng cá (2,1%), (7) Cơ quan (0,8%).

Tỷ lệ thu gom RTN của Côn Đảo là 98%, trong đó 92% được thu gom bởi hệ thống dịch vụ công cộng, và 6% được thu gom qua các đơn vị/cá nhân thu mua và nhặt phế liệu.

Khối lượng RTN được thu gom cho vật liệu tái chế tại Côn Đảo là khoảng 52,2 tấn/năm, tương đương khoảng 8,2% lượng RTN phát sinh, trong đó chủ yếu nhờ vào hoạt động của hệ thống thu gom phi chính thức, bao gồm cả lượng rác thu gom từ các bãi lưu giữ tập trung.

ong-luu-hai-son.jpg
Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo phát biểu

Ngày 26/3/2022, UBND huyện Côn Đảo cùng Dự án đã ký cam kết tham gia mạng lưới Đô thị giảm nhựa, cùng hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên, đưa Côn Đảo trở thành địa phương thứ 9 tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa.

Cùng với sự hỗ trợ của Dự án, UBND huyện Côn Đảo đã thống nhất xây dựng kế hoạch đến năm 2025 và triển khai các hoạt động quan trọng hướng tới mục tiêu chung giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.

Trong các năm 2021 – 2023, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành làm cơ sở pháp lý quan trong cho việc thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn trên địa bàn huyện Côn Đảo; Tổ chức các hoạt động truyền thông và giáo dục về phân loại rác và giảm rác nhựa. UBND huyện đã chỉ đạo các Cơ quan/ban ngành, đoàn thể liên quan xây dựng và triển khai đồng loạt nhiều chương trình, hoạt động về truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo và cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Dự án cũng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Côn Đảo tổ chức chương trình Triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp với “Ngày hội đổi rác lấy quà” tại Trụ sở Phòng TN&MT. UBND huyện cũng đã chỉ đạo lồng ghép chủ đề về ô nhiễm RTN vào nội dung giáo dục ở các cấp học thông qua các bộ tài liệu và tập huấn cho giáo viên, học sinh.

Đồng thời, triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, UBND huyện đã phối hợp với Dự án tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về phân loại rác tại nguồn cho người dân trên địa bàn huyện, tạo bước đệm để tổ chức triển khai thí điểm hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa huyện từ cuối năm 2022. Ngoài ra còn phối hợp dự án tập huấn các Khu dân cư Côn Đảo ủ phân compost từ rác hữu cơ nhà bếp;Thu gom RTN đại dương tồn đọng trên các bãi biển công cộng; trục với rác thải và san hô chết ở khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Côn đảo.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phạm Thu Hằng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng giải quyết vấn đề rác thải nhựa của UBND huyện Côn Đảo và Sở TNMT Bà Rịa – Vũng Tàu; ghi nhận sự chuyển biến về ý thức và hành động cụ thể hướng người dân và du khách đến việc giảm sử dụng túi nilon sử dụng 1 lần. So với các địa phương khác trong Dự án, Côn Đảo là huyện làm tốt việc triển khai cả 4 nội dung trong mục tiêu cơ bản của Dự án đó là: Đẩy mạnh truyền thông, nghiên cứu ban hành chính sách, xây dựng các mô hình thí điểm giảm nhựa và quản lý rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển. Huyện cũng đã bước đầu kiểm kê được rác thải tại nguồn và xử lý nguồn rác thải, hạn chế túi nilon. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, việc huyện đảo chưa có một nhà máy xử lý rác thải trên đảo cũng là mối nguy cơ ô nhiễm rác thải về lâu dài. Điều này cũng làm hạn chế kết quả của hành động giảm nhựa. Chính vì vậy, thời gian tới rất cần sự quan tâm hơn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như sự nỗ lực của địa phương để xử lý triệt để nguồn rác thải, hạn chế chôn lấp.

Minh Thư