“Đánh thức” tiềm năng nước thải qua xử lý
(TN&MT) - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo cho thấy nước thải, từ lâu được coi là mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe, lại là nguồn nước có tiềm năng chưa được khai thác như một nguồn năng lượng và nguồn nước sạch thay thế.
Tiềm năng lớn từ nước thải
Trong báo cáo “Nước thải: Biến vấn đề thành giải pháp” vừa được công bố, UNEP cảnh báo rằng chỉ 11% nước thải đã xử lý được tái sử dụng trong khi khoảng một nửa lượng nước thải chưa qua xử lý trên thế giới vẫn chảy vào sông, hồ và biển. Hơn nữa, lượng khí thải CO2 từ nước thải là rất lớn, chỉ thấp hơn một chút so với lượng khí thải từ ngành hàng không toàn cầu.
Với các chính sách đúng đắn, nước thải có thể cung cấp năng lượng thay thế cho 500 triệu người, gấp 10 lần lượng nước thu được thông qua quá trình khử muối và giảm nhu cầu phân bón tổng hợp.
Bà Leticia Carvalho, Giám đốc Chi nhánh Nước ngọt và Biển tại UNEP cho biết: “Trên toàn cầu, nước thải có rất nhiều tiềm năng nhưng hiện tại nó lại làm ô nhiễm các hệ sinh thái mà chúng ta đang dựa vào”.
Bà nhấn mạnh: “Đã đến lúc nhận ra tiềm năng của nước thải như một nguồn thay thế nước sạch, năng lượng và các chất dinh dưỡng quan trọng”.
Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng của nước thải trong việc chuyển từ mối lo ngại về khí hậu sang giải pháp. Bằng cách tạo ra khí sinh học, nhiệt và điện, nước thải có thể tạo ra năng lượng gấp 5 lần mức cần thiết để xử lý.
Hơn nữa, quản lý nước thải hợp lý có thể giúp các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm bớt tình trạng mất an ninh nguồn nước. Tái sử dụng nitơ, phốt pho và kali từ nước thải có thể đáp ứng 13,4% nhu cầu dinh dưỡng nông nghiệp toàn cầu.
Quản lý nước thải hợp lý cũng giúp nguồn nước này có khả năng tưới cho khoảng 40 triệu ha - diện tích lớn hơn cả nước Đức.
Nhiều quốc gia quản lý nước thải thành công
Báo cáo cũng đưa ra các ví dụ quản lý nước thải thành công từ nhiều quốc gia khác nhau, cả những quốc gia có thu nhập cao và những nước có thu nhập thấp, bao gồm Trung Quốc, Colombia, Đan Mạch, Ai Cập, Đức, Ấn Độ, Israel, Namibia, Senegal, Thụy Điển, Singapore, Quần đảo Solomon và Tunisia, cũng như khu vực Caribe.
Các sáng kiến tại những quốc gia, khu vực này chứng tỏ tiềm năng của các giải pháp có thể mở rộng trên nhiều vùng khí hậu và nền kinh tế.
Qua báo cáo, UNEP kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp coi nước thải là một cơ hội cho “nền kinh tế tuần hoàn”, chỉ ra các việc làm và doanh thu tiềm năng mà nguồn tài nguyên quý giá này có thể tạo ra.
Ông Peter Harris, Giám đốc GRID-Arendal, tổ chức phi lợi nhuận của Na Uy cho biết: “Chúng ta cần thúc đẩy việc cải thiện một số điều kiện cơ bản quan trọng nếu muốn những hành động này thành công. Để có thể làm được như vậy, chúng ta cần quản trị, đầu tư hiệu quả hơn, hỗ trợ đổi mới, tăng cường dữ liệu, nâng cao năng lực thực hiện và thay đổi hành vi của chúng ta một cách nghiêm túc”.
Việc công bố báo cáo “Nước thải: Biến vấn đề thành giải pháp”, một ấn phẩm chung của UNEP, nền tảng Sáng kiến Nước thải Toàn cầu (GWWI) và GRID-Arendal, tổ chức phi lợi nhuận của Na Uy là tâm điểm của Tuần lễ Nước Thế giới năm nay đang diễn ra.