Môi trường

“Kích hoạt” phong trào chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh: Bài 2: Theo bước chân về làng quê đáng sống

Đức Cảnh 24/08/2023 - 14:22

Nhận thức về chống rác thải nhựa khi đã “hợp lòng dân” tạo nên sinh lực mới từ nếp nhà, tổ dân cư để rồi cùng chung sức, chung lòng ứng xử có trách nhiệm với xã hội về bảo vệ môi trường.

Miền quê không rác thải

Xã Sơn Trường nằm cách trung tâm huyện 5 km, có diện tích 19,07 km². Đây là một trong hai xã của huyện Hương Sơn sớm đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến đây, ai cũng nhận thấy một miền quê “đáng sống” với diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp. Những con đường bê tông rộng mở chạy quanh làng, mặt đường sạch tinh tươm, không rác thải sinh hoạt.

anh-3.-2.jpg
Đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, không có bóng dáng của rác thải ở vùng quê nông thôn mới Hà Tĩnh

Được biết, xã Sơn Trường được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chọn làm nơi lan tỏa những giá trị của phong trào “chống rác thải nhựa” trong cộng đồng dân cư. Nhiều sáng kiến, cách làm hiệu quả của Hội đang dần được chia sẽ, nhân rộng góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường.

pct-hoi-pn-son-truong.-bai-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Minh Soa, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Trường

Chị Nguyễn Thị Minh Soa, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, tại đây Phụ nữ đã tham gia nhiều công việc để góp phần bảo vệ môi trường. Một trong những mô hình tiêu biểu là “Tổ liên gia thu gom rác thải”. Mô hình này vừa hạn chế xả rác ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa: Giúp người dân có nguồn phân hữu cơ cho cây trồng vừa gom rác thải nhựa, rác thải tái chế để bán gây quỹ.

Theo chị Soa, xã Sơn Trường là xã thuần nông, người dân nhận thức về môi trường rất đơn giản, nhưng từ khi xây dựng phong trào chống rác thải nhựa được phát động, địa phương đã lòng ghép vào thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới thì mọi thứ đã đổi mới rất nhiều. Từ khi triển khai phong trào, việc lợi nhất là đã nâng cao nhận thức của người dân.

Bắt đầu từ thói quen, chị Nguyễn Thị Huyền, ở xóm 6, xã Sơn Trường, sử dụng lá chuối để gói thức ăn thay vì túi nilon như trước đây. Chị Huyền cho biết: “Cũng giống như nhiều hộ dân khác thường sử dụng túi nilon để gói bọc thức ăn bỏ vào tủ lạnh, nhưng khi nhận thức ra tác hại của dụng cụ này nên đã bắt đầu thay thế bằng lá chuối. Không những đảm bảo vệ sinh mà việc sử dụng lá chuối để gói, bọc còn tiết kiệm được chi phí, không xả rác thải nhựa ra môi trường”.

anh-4.-mt.jpg
Người dân được phát dụng cụ đựng rác, hướng dẫn cách xử lý

Tiếp thu nội dung tập huấn, trong các buổi sinh hoạt, các chi hội đã lồng ghép, đồng thời phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của rác thải nhựa tới sức khỏe, môi trường. Đồng thời, xã Sơn Trường đã phối hợp các cấp Hội phụ nữ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phát dụng cụ đựng rác tới các hộ dân, hướng dẫn cách xử lý rác thải.

Phản ánh của người dân cho hay, trước đây, nguồn rác thải sinh hoạt rất lớn, có khi bị chó, mèo tha lôi khắp nơi khiến không gian trở nên nhếch nhác; Khu vực bờ suối thường là nơi xã thải với đủ loại như bình thuốc bảo vệ thực vật, túi nilong. Mặt khác, người dân thường xử lý rác bằng cách đốt nên gây ô nhiễm môi trường.

anh-5-dt.jpg
Đường làng, ngõ xóm trước đây ngổn ngang rác thải, túi nilong

Nhưng giờ đây, thức ăn thừa, vỏ trái cây và rác hữu cơ đều được cho vào thùng xử lý thành phân bón, lượng rác thải ra môi trường rất ít; Túi nilong, các loại rác thải nhựa khác trong các gia đình hội viên được tập hợp theo hộ gia đình, phân loại rồi định kỳ để bán gây quỹ. Từ đó, không còn tình trạng vứt rác ra đường hoặc xuống bờ sông bờ suối nữa.

Sạch sẽ “sinh ra” văn minh

Không nói đâu xa, cách đây khoảng năm về trước, người dân thừa nhận chỉ quan tâm đến sử dụng sản phẩm nhựa làm sao cho tiện lợi, nhanh gọn thì nay đã biết lo nghĩ cho sức khỏe, môi trường về lâu dài. Nhìn vào trạng thái chủ động ứng xử của người dân ở xã Sơn Trường có thể thấy ngay được cung cách, nề nếp sinh hoạt, thẩm mỹ, tính cách... của cả một vùng quê hoặc chí ít thì cũng của gia chủ.

anh-3.-bai-2.jpg
Công nhân thu gom chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các điểm tập kết để tiến hành xử đảm bảo quy định bảo vệ môi trường

Nói về những tác động hiệu quả từ phong trào chống rác thải nhựa ở địa phương, ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Sơn Trường, cho biết: “Đường làng, ngõ xóm trước đây ngổn ngang rác thải, túi nilong thì nay không còn bóng dáng. Kết quả này có sự đóng góp của các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có phong trào chống rác thải nhựa”.

Giảm sử dụng tức là đang hạn chế được chất thải nhựa thải ra môi trường, từ suy nghĩ đến cách làm Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh dần xây dựng được những mô hình đạt hiệu quả. Cũng chính từ những mô hình đang được triển khai ở xã Sơn Trường, qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị đã tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân, từ đó nhiều mô hình được nhân rộng.

anh-1.-bai-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh

Chị Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhờ cách làm hiệu quả và có được thành công bước đầu, việc tuyên truyền người dân triển khai thực hiện hạn chế sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần ở nhiều địa phương diễn ra thuận lợi. Đặc biệt, vùng nông thôn, triển khai qua phong trào vận động ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng”.

anh-6.-st.jpg
Lượng rác thải tái chế được gom hàng tháng đem bán và cho vào khoản quỹ rác thải để hỗ trợ hội viên khó khăn (Ảnh: Phụ nữ thôn Vĩnh Hội, xã Đức Lĩnh)

Nói về tính hiệu quả của mô hình “Tổ liên gia thu gom rác thải” đang được triển khai ở xã Sơn Trường, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, phấn khởi chia sẻ: “Sạch sẽ sinh ra văn minh. Mô hình hoạt động theo Tổ, hàng tháng lượng rác thải tập hợp sẽ đem bán và cho vào khoản quỹ rác thải. Không chỉ môi trường sống được sạch sẽ mà còn tạo ra những khoản tiền từ chính rác thải, được tích cóp, sử dụng vào việc giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo: Ở Việt Nam mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilong. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilong mỗi tháng. Hơn 80 % số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Bài 3: Nhân rộng cách làm hay

Đức Cảnh