Biến đổi khí hậu

Tuyên truyền ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa các-bon

Trung Nguyên 24/08/2023 - 12:27

(TN&MT)- Ngày 24/8, tại Đắk Lắk, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã tổ chức “Hội thảo tuyên truyền, trao đổi về ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon theo cam kết tại Hội nghị COP26”.

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ về các quy định pháp luật, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và các cơ hội từ BĐKH mang lại. Thông qua trao đổi, thảo luận, hội thảo giúp cán bộ quản lý các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiểu sâu sắc hơn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH.

anh-1.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia, đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và tham gia nhiều cam kết, sáng kiến khác như: Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu...

Những cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hài hòa với tự nhiên.

anh-2.jpg
Hội thảo có sự tham dự của cán bộ quản lý các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên

Chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp là xu thế tất yếu của toàn cầu hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Hội nghị COP26 cũng là bước ngoặt tạo ra “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu, làm thay đổi các tư duy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hướng tới nền kinh tế ít phát thải, kinh tế tuần hoàn. Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Việt Nam cần tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, các dòng tài chính xanh đầu tư cho phát triển, đồng thời cũng thực hiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển hài hòa, bền vững và toàn diện.

anh-4.jpg
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn chia sẻ các thông tin về ứng phó BĐKH

Để thực hiện cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, trong đó tập trung các nội dung: Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon; Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

anh-5.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Để làm rõ hơn các nội dung này, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã có các bài trình bày về: Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định pháp luật đã được ban hành; Cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và lộ trình thực hiện; Triển khai các cam kết của Việt Nam về thích ứng biến đổi khí hậu; Các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và Đề án triển khai Tuyên bố chính trị về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); Phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam...

Đại diện các Sở ban, ngành các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng thông tin về thực tế triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH tại địa phương, đặc biệt là những cách làm hay, sáng tạo; trao đổi và làm rõ hơn các về các hoạt động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải, từ đó đề xuất giải pháp thực hiện hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon.

Trung Nguyên