Khoáng sản

Sơn La: Rà soát, tổng kiểm tra các mỏ khoáng sản

Nguyễn Nga 23/08/2023 - 21:39

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 1407/QĐ-UBND, về việc thành lập Tổ kiểm tra các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tổ kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên môi trường làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Tổ phó Thường trực. Lãnh đạo Cục thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công thương làm tổ phó.

Thành viên Tổ kiểm tra gồm đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phụ trách lĩnh vực tài nguyên môi trường, Trưởng phòng tài nguyên môi trường các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng chuyên môn của Thanh tra tỉnh theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường; lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phòng Cảnh sát PC 03, Công an tỉnh; lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban chuyên môn có liên quan…

a1.jpg
Sơn La tổng kiểm tra các mỏ khoáng sản trên toàn tỉnh.

Tổ kiểm tra có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định về khoáng sản, đất đai, môi trường, đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các mỏ khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các mỏ đá vôi làm VLXD thông thường.

Tổ kiểm tra làm việc kiêm nghiệm, mọi chế độ thực hiện theo quy định hiện hành. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan Thường trực của Tổ kiểm tra.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, việc thành lập Tổ kiểm tra nhằm rà soát, đánh giá ưu điểm, kết quả đạt được; xác định, làm rõ những tồn tại, khuyết điểm, những sai phạm trong quá trình hoạt động của các mỏ khoáng sản.

Qua đó, giúp các đơn vị là đối tượng kiểm tra phát huy ưu điểm; khắc phục các tồn tại, yếu kém; ngăn ngừa, kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm được phát hiện. Làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên toàn tỉnh, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La hiện có 4 giấy phép thăm dò khoáng sản còn hiệu lực; 40 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó 5 Giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 35 Giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp.

Nhìn chung, thời gian qua, các tổ chức hoạt động khoáng sản đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản; quan tâm đến quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, quy định về bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, bổ nhiệm giám đốc điều hành theo đúng quy định, lập và phê duyệt thiết kế mỏ.

Tuy nhiên, còn một số đơn vị hoạt động khoáng sản chưa nghiêm túc chấp hành các quy định như: Khai thác không đúng thiết kế, chưa đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường; chưa quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ có chuyên môn về địa chất, khai thác mỏ. Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường…

Nguyễn Nga