Bước tiến mới của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Hội nghị Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) về ô nhiễm nhựa diễn ra tháng 6 vừa qua tại Paris (Pháp) đã đạt được nhất trí trong việc xây dựng phiên bản đầu tiên của bản dự thảo về một thỏa thuận đa phương, có tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa trên Trái đất. Tiến trình đàm phán dẫu còn nhiều bất đồng giữa các bên, song đã có những tiến bộ đáng khích lệ cho nỗ lực bảo vệ môi trường sống của toàn nhân loại.
Thỏa thuận pháp lý, phù hợp điều kiện các quốc gia
Tham dự Hội nghị đàm phán có hơn 170 đoàn với khoảng 2000 đại biểu từ các nước thành viên. Trưởng đoàn đàm phán quốc tế là đại diện Peru. Đoàn đàm phán được chia ra thành 6 nhóm nước gồm Châu Phi, Châu Á-Thái Bình dương, Đông Âu, Châu Mỹ Latin và vùng vịnh caribe, Liên minh các quốc đảo nhỏ, Tây Âu và các quốc gia khác.
Đoàn Việt Nam có 13 thành viên đại diện của Văn phòng chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công thương, Tư pháp. Trưởng đoàn là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; người đàm phán là lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việt Nam thuộc nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương, trưởng và phó nhóm là đại diện của Nhật Bản và Jordan.
Hội nghị bao gồm sự kiện chính và các sự kiện bên lề. INC-2 tiếp nối từ sự kiện của INC-1 được tổ chức 2022 nhằm đưa ra được một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa (Thỏa thuận). Ủy ban đàm phán toàn cầu chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo Thỏa thuận và sẽ được trao đổi tiếp theo kế hoạch.
Nội dung nổi bật tại sự kiện chính là các quốc gia có ngành công nghiệp dầu mỏ lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và A Rập Xê út chú trọng vào tái chế nhựa và định hướng xây dựng các qui tắc của từng quốc gia thay vì các giới hạn chung. Liên minh tham vọng cao do Na Uy và Rwanda dẫn đầu (HAC), cùng với các nhóm môi trường, muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa hoàn toàn vào năm 2040 bằng cách cắt giảm sản xuất và hạn chế một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa. Một số chính phủ các nước đề nghị điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tế. Các phái đoàn đã chia thành hai nhóm thảo luận về các biện pháp kiểm soát có thể thực hiện để ngăn chặn ô nhiễm nhựa và cách thức thực hiện/hỗ trợ thực hiện Thoả thuận một cách bền vững, toàn diện.
Các nước nhìn chung đồng thuận với phương thức thực hiện Thoả thuận bằng cách quốc gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chấm dứt ô nhiễm nhựa cũng như Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Kế hoạch này. Các nước phát triển (Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, New Zealand, Nhật bản, Hàn quốc…) đề nghị NAP cần đề ra các mục tiêu và cam kết phù hợp với Thoả thuận, có các chỉ tiêu cụ thể để có thể đánh giá tiến triển ở cấp quốc gia. Một số nước đang phát triển (Trung quốc, Ấn Độ, A-rập Xê-út…) cho rằng NAP là một tiến trình do quốc gia dẫn dắt, các nước tự đề ra mục tiêu riêng, đánh giá, cập nhật. Các nước chưa thống nhất về cơ chế đánh giá, tần suất đánh giá việc thực hiện NAP tại các quốc gia.
Các nước ủng hộ có cách tiếp cận toàn diện về phương thức thực hiện Thoả thuận thông qua việc thu xếp tài chính, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tăng cường năng lực. Các nước nhất trí cần huy động cả tài chính công và tư, cả trong và ngoài nước.
Các nước đều ủng hộ xây dựng các chương trình tăng cường năng lực phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, đặc biệt các nước kém phát triển và các nước đảo nhỏ. Các chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật sẽ được triển khai qua các cơ chế khu vực, tiểu khu vực, quốc gia, bao gồm thông qua trung tâm khu vực và thông qua các chương trình hợp tác đối tác.
Các nước đang phát triển đề nghị có một điều khoản riêng về chuyển giao công nghệ, nội dung có thể gắn với mục tiêu phát triển bền vững số 9 liên quan đến chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Như các Thoả thuận đa phương về môi trường khác hiện có, các nước phát triển có thể thúc đẩy và hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển và các nước đảo nhỏ.
Nhóm Châu Á Thái Bình Dương (APG) nhấn mạnh trong tuyên bố khu vực về tầm quan trọng của hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và công nghệ, cũng như xây dựng năng lực, là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý chất thải không hiệu quả và thiếu nhận thức cộng đồng. Nhóm cũng chỉ ra cách tiếp cận vòng đời nhựa là điều cần thiết. Công cụ này phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trong toàn bộ vòng đời của nhựa, từ thiết kế sản phẩm đến xử lý. Phân biệt tính bắt buộc với tính tự nguyện trong các nghĩa vụ cốt lõi. Phải tính đến các hoàn cảnh và khả năng của quốc gia khi xem xét việc thực hiện và tuân thủ toàn bộ công cụ. Xây dựng, thực hiện và cập nhật định kỳ các Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) là một hành động quan trọng để thực hiện nghĩa vụ cốt lõi.
Tích cực tham gia và những thách thức của Việt Nam
Là thành viên tích cực, chủ động tham gia Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng năng lực để thực thi các chính sách giảm nhựa. Tuy nhiên, dứng trước những mục tiêu mà Thỏa thuận toàn cầu về giảm nhựa đang đưa ra bàn thảo, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi chúng ta còn thiếu nhiều thông tin có tính chất khoa học cơ bản như : Chưa có báo cáo đánh giá hiện trạng chất thải nhựa, đặc biệt là Chất thải nhựa đại dương Quốc gia; Chưa có cơ sở dữ liệu tổng hợp và cập nhật về lượng phát sinh/ thu gom/ xử lý/ tái chế/ thu hồi chất thải rắn, thành phần chất thải nhựa có trong chất thải rắn tại các địa phương trên toàn quốc, cũng như sự tham gia của khối không chính thức trong việc thu gom chất thải nhựa, gây khó khăn trong việc dự báo lượng chất thải nhựa sẽ phát sinh trong tương lai
Chúng ta cũng chưa điều tra, xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng ô nhiễm chất thải nhựa và vi nhựa Quốc gia. Các nghiên cứu hiện nay vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, do các nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian ngắn và phương pháp nghiên cứu không có tính nhất quán, gây khó khăn trong việc đánh giá mức độ ô nhiễm giữa các vùng nói riêng và so sánh mức độ ô nhiễm giữa các quốc gia nói chung
Bên cạnh đó, còn thiếu hệ thống quan trắc vi nhựa trên đất liền (hệ thống nước ngọt, sông, hồ, ao, nước ngầm, đất...) và ven biển, hệ sinh thái ven biển... để giám sát mức độ ô nhiễm định kỳ; Chưa có mô hình dự báo lượng chất thải nhựa phát sinh và dự báo ô nhiễm vi nhựa cho Việt Nam (do hạn chế về cơ sở dữ liệu và thiếu số liệu quan trắc để đánh giá kết quả mô hình), để từ đó xây dựng những giải pháp về chính sách, ứng phó với ô nhiễm nhựa đại dương cho Việt Nam
Trong điều kiện này, Đoàn đám phán Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự các phiên họp giữa kỳ của Hội nghị các bên để cập nhật thông tin về việc xây dựng Dự thảo đầu tiên của Thoả thuận trong thời gian từ nay tới tháng 11/2023. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam (chưa có đầy đủ các số liệu tổng thể về nhựa, điều kiện cơ sở hạ tầng để giám sát, quản lý ô nhiễm nhựa chưa hoàn thiện…), Việt Nam sẽ chủ động, tích cực trao đổi bên lề với các nước cùng điều kiện cũng như trao đổi với các thành viên của nhóm để đề xuất các yêu cầu riêng cho các nước đang phát triển; kiên định đề xuất hỗ trợ về công nghệ, tài chính và lộ trình cho các nước phát triển để không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Việt Nam.
Minh Thư